ThienNhien.Net – Nhằm thực hiện toàn diện và hiệu quả chương trình “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), tỉnh Thái Nguyên đang tập trung triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ như: chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh – môi trường nông thôn, dự án 5 triệu ha rừng, chương trình 134, 135… Ngoài ra, kể từ năm 2006 đến nay, tỉnh cũng chủ động xây dựng thêm 6 đề án về phát triển mạng lưới thú y ở nông thôn, phát triển cây chè, rau an toàn, giống cây nông lâm nghiệp, phát triển rừng ATK Định Hoá…Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, hiện nay, các chương trình, dự án liên quan đến “tam nông” ở Thái Nguyên chưa được tổ chức bài bản, sử dụng các nguồn lực chưa đồng bộ, nhất là tiềm năng về rừng và đất của các huyện khu vực miền núi.
Qua thống kê sơ bộ, trong giai đoạn từ 2006 đến 2009, tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn Thái Nguyên đã đạt trên 680 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn 2001 – 2005 hơn 300 tỷ đồng nhưng so với tổng nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý chỉ bằng 20,8%, thấp hơn giai đoạn 2001 – 2005 trên 10%.
Từ sự mất cân đối trong đầu tư cho “tam nông” khiến cho nhiều chương trình, dự án trong khu vực nông thôn miền núi phải kéo dài, cá biệt có nơi còn chưa phát huy hiệu quả. Đơn cử như chương trình 135 – một chương trình liên quan trực tiếp đến lợi ích của nông dân vùng nông thôn miền núi, vùng cao dù đã triển khai hơn 10 năm nay nhưng hiện vẫn phải kéo dài vì sự đầu tư chưa tập trung, còn dàn trải và chậm đổi mới.
Trong thực hiện chương trình 134 thì chính sách hỗ trợ đất khai hoang với mức giá 5 triệu đồng/ha không thể thực hiện được trong thực tế. Đặc biệt với 179.000 ha rừng, trong đó có khoảng 96.000 ha rừng kinh tế nhưng hiện tại kinh tế lâm nghiệp ở Thái Nguyên mới chỉ mang lại giá trị trung bình khoảng 189 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 2,12% trong tổng cơ cấu GDP của toàn tỉnh. Chính sách về bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ từ năm 1997 đến nay vẫn quy định ở mức 100.000 đồng/ha nên rất khó vận động, thu hút được người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Vì vậy, hiện nay người trồng rừng chưa sống được bằng nghề rừng, đây cũng chính là nguyên nhân gây nên tình trạng phá rừng ở một số huyện trong tỉnh như: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương… kéo theo nhiều bất ổn về an ninh – trật tự tại địa phương và khiến cho rừng ngày một nghèo kiệt…Riêng đối với việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp khu vực nông thôn miềm núi, mặc dù toàn tỉnh đã kiên cố hoá được hơn 1.200 km đường giao thông, trên 1.400 km kênh mương, xây dựng được 1.146 công trình thủy lợi song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về tưới tiêu cho sản xuất, nhất là sản xuất vụ đông, giao thông đến các thôn bản miền núi, vùng cao còn rất nhiều khó khăn…
Từ những bất cập này có thể thấy Thái Nguyên chưa có cấu nội ngành nông nghiệp hợp lý, kết quả xoá nghèo chưa bền vững, hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn thiếu đồng bộ, giới hạn nghèo và thoát nghèo rất mong manh, nguy cơ tái nghèo hoàn toàn có thể xảy ra…
Trước thực tế này, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng chương trình hành động cụ thể về thực hiện cách chính sách “tam nông” trong thời kỳ mới, trong đó chú trọng đến chương trình phát triển rừng kinh tế, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thêm các hồ đập nhỏ, kênh mương để tăng diện tích lúa hai vụ, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp – nông thôn, xây dựng các mô hình sản xuất ở nông thôn theo hướng tổ hợp, hợp tác xã và các mô hình kết hợp khác. Tỉnh cũng kiến nghị với Chính Phủ và các Bộ, ngành chức năng tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chương trình 134, 135, đồng thời nâng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng lên 250.000 đồng/ha, mức thiết kế rừng lên 100.000 đồng/ha, sử dụng nguồn trái phiếu cho chương trình phát triển thuỷ lợi miền núi, tạo thêm nguồn lực mới để chuyển canh tác từ 1 vụ lên 2 vụ và 3 vụ trong năm.