ThienNhien.Net – Tác động của biến đổi khí hậu tới mực nước biển hiện đang là chủ đề được nhiều nhà khoa học quan tâm. Có một điều chắc chắn là mực nước biển đã và đang dâng cao và nhìn vào bản đồ có thể xác định vùng đất có nguy cơ bị ngập khi mực nước biển dâng. Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn nhiều nếu muốn dự đoán chính xác thời gian hiện tượng này xảy ra hoặc đánh giá hiệu quả của những nỗ lực từ phía chính phủ và các cộng đồng địa phương tới việc ngăn chặn sự dâng cao của nước biển. Bản đánh giá nhanh về tác động của mực nước biển dâng tại Việt Nam là một trong những đóng góp của Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM) cho công tác phòng chống và giảm nhẹ tác động của hiện tượng này tại Việt Nam. ThienNhien.Net xin giới thiệu dưới đây bản tóm tắt những kết quả thu được từ nghiên cứu này.
Dự báo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC)
Cho đến nay IPCC đã đưa ra hàng loạt dự báo về nước biển dâng theo các kịch bản khác nhau. Theo IPCC, đến cuối thế kỷ này, mực nước biển có khả năng dâng thêm 26 đến 59 cm theo kịch bản cao A1Fl hay 18-38 cm theo kịch bản thấp B1. Tuy nhiên các báo cáo của IPCC cũng cảnh báo con số này còn quá thấp: “Tính chất động lực học của băng, nguyên nhân vẫn nằm ngoài các kịch bản nói trên, có thể làm tăng khả năng tan chảy của những mũ băng ở các cực, kéo theo nước biển dâng cao.” Hơn nữa, các dự án của IPCC về mực nước biển đều dựa trên những dự đoán từ năm 2005, không hề tính tới khả năng biến đổi nhanh chóng của những khối băng lớn như ở Greenland và phía Tây Nam cực.
Sau IPCC, một loạt nghiên cứu khoa học khác đã cho thấy những dấu hiệu của sự thay đổi không lường trước này. Chúng đều mang một thông điệp – nếu không giảm khí thải nhà kính (chủ yếu là CO2 và CH4), mực nước biển sẽ dâng từ 1-3 m ngay trong thế kỷ này do sự ấm lên của trái đất. Nguy cơ này cũng cần tính đến một chuỗi các hiện tượng khí hậu cực đoan, như sự cộng hưởng một loạt các hiện tượng thời tiết bất thường ở đồng bằng châu thổ Sông Hồng hay lũ theo mùa ở ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Báo cáo của Trung Tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM)
Nghiên cứu của ICEM không đi theo hướng thảo luận trên. Nó áp dụng kịch bản nước biển dâng lên 1m vào năm 2100 và sử dụng Mô hình bề mặt số (DSM) của Trung tâm Đo đạc Địa hình bằng Rađa con thoi để ước tính tình trạng nước biển dâng. DSM cho phép sử dụng số gia của 1m nhưng không dùng phân số. Ngoài hình ảnh từ vệ tinh DSM, phương pháp nghiên cứu này có thể sử dụng các bản đồ địa hình đã được số hoá của những vùng ven biển đặc thù. Tuy nhiên cách này vượt quá khả năng về thời gian và nguồn lực của một bản đánh giá nhanh. Hơn nữa, việc sử dụng mức đánh giá 50 cm, 75cm, hay 1m không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nghiên cứu quốc gia vốn có mục đích xác định những vấn đề cần ưu tiên phân tích và hành động. Đánh giá này hướng tới việc tìm ra ở mỗi quốc gia những vùng địa lý, cộng đồng dân cư và các khu vực kinh tế có thể bị ảnh hưởng nặng nhất do mực nước biển dâng.
Nhận xét về kết quả của bản đánh giá. nhiều nhà khoa học Việt Nam đã nhận xét rằng các dự đoán về tác động hay hiểm họa của nước biển dâng là chưa hợp lý. Thậm chí khi mức dự báo 1m xảy ra thì những tác động được dự báo này chưa hề tính đến hiệu quả của những động thái tích cực từ phía chính phủ nhằm thích nghi với tình hình trong nhiều thập kỷ qua.
Quả thực, nghiên cứu đã đưa ra cái nhìn tổng quan về hiện tượng ngập lụt do nước biển dâng với mức tăng 1m trong tình hình phát triển hiện tại của các ngành kinh tế, dân số cũng như điều kiện tự nhiên ở các địa phương. Tuy vậy, nó hoàn toàn không đề cập đến các hoạt động ứng phó của chính phủ, các xu hướng về nhân khẩu học tương lai hay sự thích nghi của các khu vực phát triển kinh tế. Nếu chính phủ phối hợp thực hiện để phòng tránh, thích nghi và giảm nhẹ những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì nhiều tác động được chỉ ra trong bản báo cáo có thể sẽ không xảy ra.
Mục đích cuối cùng của bản báo cáo là giúp chính phủ điều chỉnh và tập trung hợp lý vào các động thái và chính sách thích nghi ưu tiên. Đồng thời các biện pháp và hướng dẫn đơn giản nhất trong bản báo cáo sẽ là tiền đề cho những bản đánh giá chi tiết hơn sau này. Nghiên cứu này là nỗ lực đầu tiên của ICEM trong việc thiết lập các ưu tiên trong thích nghi với biến đổi khí hậu, phù hợp với Mục tiêu Quốc gia về Ứng phó với Biến đổi khí hậu của Việt Nam (NTP). Đặc biệt, đó cũng là bước mở đầu hướng tới việc triển khai các nhóm hành động được chỉ ra trong bản kế hoạch NTP bao gồm:
– Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới các ngành kinh tế và khu vực địa lý;
– Triển khai các kế hoạch hành động đối phó biến đổi khí hậu;
– Kết hợp các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực khác của quốc gia trong NTP.
Hệ thống thông tin địa lý GIS mà bản báo cáo sử dụng đã được hoàn thành vào năm 2006, thời điểm biển đổi khí hậu vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam. Phạm vi và mục đích của bản đánh giá nhanh là để cung cấp nguồn tài liệu làm tiền đề phát triển những đánh giá khoa học khác cụ thể hơn, chính xác hơn.
Một trong những mục đích của bản đánh giá nhanh của ICEM về ảnh hưởng và khả năng tổn thương của Việt Nam khi nước biển dâng cao là nhằm chỉ ra những nhiệm vụ ưu tiên cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu. Bắt đầu là việc rút ngắn khoảng cách giữa các nghiên cứu địa lý toàn cầu về hiện tượng nước biển dâng và các nghiên cứu tầm cỡ quốc gia trước đó chưa cung cấp được những phân tích định tính về ảnh hưởng của hiện tượng lên các yếu tố khác như dân số, các lĩnh vực kinh tế và môi trường tự nhiên. Nghiên cứu này cũng đưa ra các phân tích không gian địa lý một cách rõ ràng, một bước rất cần thiết để ưu tiên tập trung vào những khu vực và vấn đề quan trọng nhất khi lập kế hoạch đối phó.
Mục đích thứ hai của nghiên cứu là chỉ ra những giới hạn mà các đánh giá về hiện tượng SLR phải vượt qua. Nghiên cứu cũng đưa ra một số các biện pháp khắc phục ban đầu, đồng thời đề xuất các lĩnh vực cần phát triển thêm để có những dự đoán đáng tin cậy và cụ thể hơn về tác động và hiểm họa trong các giai đoạn tương ứng với kế hoạch quốc gia.
Nghiên cứu của ICEM gồm 2 phần: (1) Mô hình hoá các khu vực bị ngập do nước biển dâng bằng dữ liệu bề mặt số hoá, (2) phân tích khả năng tổn thương của kinh tế xã hội và môi trường thông qua các mặt cắt không gian của các khu vực bị ngập do nước biển dâng.
Việt Nam dưới tác động dâng 1m của mực nước biển
Địa lý: Tới năm 2100, 14 528 km2 tức 4,4% lãnh thổ của Việt Nam sẽ vĩnh viễn chìm trong nước biển. Hơn 60% hay 39 trong số 64 tỉnh thành và 6 trong tổng số 8 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Gần 20% tức 2 057 xã trong tổng số 10 511 xã sẽ bị nhấn chìm một phần hoặc toàn bộ. 85% khả năng ngập lụt do hiện tượng nước biển dâng cao sẽ đe doạ 12 tỉnh thành và nhấn chìm 12 376 km2 ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài TPHCM là 1 trong 10 tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 9 thành phố còn lại nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Long An, tỉnh láng giềng của TPHCM, và Kiên Giang, tỉnh địa đầu bờ biển phía Tây Nam, là 2 tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, có khả năng bị nước biển nhấn chìm hoàn toàn. 5 tỉnh bị ảnh hưởng lớn tiếp theo có 40-50% diện tích bị ngập. TPHCM cũng là khu đô thị lớn nhất bị ảnh hưởng với 43% diện tích bị ngập. 12 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và TPHCM cần được đưa vào danh sách ưu tiên cho các kế hoạch và đầu tư để thích nghi.
Dân cư: Gần 6 triệu người – chiếm 7,3% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do hiện tượng ngập lụt khi nước biên dâng. 30% dân số của 6 trong số 12 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng. Những xã có mật độ dân cư đông đúc nhất – ước tính lên tới 425 người/km2 – lại là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn 660 nghìn người – 12% dân số thành phố TPHCM bị ảnh hưởng, nhưng con số này có thể sẽ còn lớn hơn nếu sử dụng bản đồ địa hình số hoá. Ngập lụt do nước biển dâng cao đang đe doạ tới các vùng có tăng trưởng dân số cao hiện nay tại TPHCM.
Tình trạng đói nghèo: Các khu vực có nguy cơ ngập lụt cao lại là nơi có chủ yếu người nghèo sinh sống. 90% dân nghèo trong số đó sống tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tỷ lệ người nghèo sống tại các khu vực ảnh hưởng nghiêm trọng nhất có thể tăng lên 21,2% đến 30-35% vào năm 2010.
Hệ thống giao thông: 4,3% tức 9 200km hệ thống đường giao thông hiện có ở các địa phương và toàn quốc sẽ bị ngập vĩnh viễn. 90% cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và gần như toàn bộ ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Trà Vinh bị ảnh hưởng. 90% trong số này là đường giao thông nông thôn. Tác động tới cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa được đánh giá đúng thực tế vì chưa tính tới hậu quả của lũ lụt và sóng thần.
Công nghiệp: Các doanh nghiệp sản xuất ở 20 tỉnh thành sẽ bị ngập. Phần lớn các tỉnh có số lượng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều là ở Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng kinh tế Đông Nam Bộ. TPHCM hiện chiếm 65% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam và sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 9% tổng số doanh nghiệp trên toàn thành phố (Nếu con số thống kê các doanh nghiệp nhỏ là chưa đầy đủ thì con số này sẽ còn lớn hơn nhiều). Đồng bằng Sông Cửu Long có 19 khu công nghiệp bị ảnh hưởng, 13 khu bị ngập, 6 khu trong số đó nằm ở tỉnh Long An. TPHCM có 16 khu công nghiệp bị ảnh hưởng, 9 trong số đó sẽ bị ngập. Vùng kinh tế Đông Nam Bộ sẽ có hơn 55 khu công nghiệp bị ngập hoặc có nguy cơ cao.
Định cư: Chỉ 2% trong tổng số diện tích đất đai bị ngập vĩnh viễn là có thể định cư được mặc dù số lượng các thôn xóm, thị trấn và thành phố bị ảnh hưởng sẽ tăng rất nhanh nếu tính đến hiện tượng sóng thần. Tác động lên kinh tế địa phương là rất lớn bởi sự tập trung cao dân cư và doanh nghiệp ở vùng ven biển. 73,1% trong tổng số khu vực dân cư bị ngập ở đồng bằng Sông Cửu long và 13,9% ở vùng Đông Nam bộ, phần lớn dân cư ở đó sẽ đổ về thành phố HCM (13,3%).
Rừng: 8% khu vực bị ngập do nước biển dâng là rừng hoặc vùng có thảm thực vật tự nhiên (bao gồm cả cây bụi và đồng cỏ), 67,5% sẽ rơi vào khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, 22,5% ở khu vực Đông Nam Bộ, hầu hết là rừng đước và rừng tràm. Nghiên cứu cũng cho thấy 27% diện tích rừng ngập mặn và 20% diện tích rừng đầm lầy sẽ bị ngập hoàn toàn, thậm chí khu vực bị ảnh hưởng có thể còn cao hơn với phương pháp dự đoán bằng bản đồ địa hình.
Hệ thống cấp nước: 82,5% hệ thống cấp nước ở các vùng trũng Nam Bộ trong đó 71,7% là ở đồng bằng Sông Cửu Long và 10,8% ở Đông Nam bộ sẽ bị ảnh hưởng. Hiện tượng ngập lụt này sẽ dẫn tới sự thay đổi độ mặn của nước, thay đổi điều kiện sinh sống, sản xuất và đa dạng sinh học.
Các khu bảo tồn: Việt Nam hiện có 128 khu bảo tồn trên cạn và 68 vùng ngập nước có tầm quan trọng quốc gia. Trong đó, 36 khu bảo tồn sẽ bị ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ bởi hiện tượng nước biển dâng. 8 trong 27 rừng quốc gia, 16 khu bảo tồn thiên nhiên và 11 khu môi trường sinh thái, di tích lịch sử văn hoá sẽ bị ngập hoặc có nguy cơ cao. 2 khu vực ở đồng bằng Sông Cửu long là Rừng Quốc gia U Minh Thượng và khu bảo tồn thiên nhiên Bạc Liêu sẽ bị ngập hoàn toàn. Trong số 68 vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia do Bộ Tài nguyên Môi trường VN xếp hạng thì có gần 50% đang ở trong tình trạng bị đe dọa cao với 19 khu vực có khả năng bị ngập vĩnh viễn một phần hoặc toàn bộ.
Kết luận về việc áp dụng phương pháp đánh giá nhanh
Nhìn lại các đánh giá của IPCC, chiến lược và hành động giảm thiểu, thích nghi của quốc gia trước hiện tượng nước biển dâng, có thể thấy rõ rằng mặc dù hiểu biết của xã hội về biến đổi khí hậu và tác động của nó ngày một tăng, nhưng rất ít quốc gia áp dụng các biện pháp phù hợp để hạn chế các tổn thất về kinh tế mà hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra. Điều bất cập cố hữu ấy là kết quả của việc áp dụng thiếu hiệu quả các kiến thức khu vực và toàn cầu vào quy mô quốc gia và địa phương nhằm làm hài hòa các yêu cầu của quy hoạch phát triển.
Theo ICEM, có 3 nhân tố đặc biệt hữu ích cho các nhà hoạch định kế hoạch phát triển khi phân tích về thay đổi khí hậu:
– Định lượng những nhân tố môi trường và kinh tế xã hội đặc thù bị ảnh hưởng;
– Giảm các đơn vị hành chính và các khu vực địa lý cho phù hợp với kế hoạch thích nghi và ứng phó;
– Áp dụng các giai đoạn đánh giá thực tiễn cho việc hoạch định kế hoạch phát triển phù hợp.
Nghiên cứu của ICEM là tiền đề để đáp ứng những yêu cầu trên. Nó đưa ra :
– Cái nhìn tổng quan về các khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt do các tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu;
– Ước tính các khu vực bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng;
– Phân tích khả năng tổn thương về môi trường, kinh tế xã hội, chỉ ra các khu vực, ngành kinh tế và các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng nặng nhất;
– Giải thích các kết quả trên cơ sở xem xét các thách thức về chính sách và thể chế hiện tại của Việt Nam;
– Đưa ra các ý kiến và phương án lựa chọn.
Nhằm cải thiện tính chính xác của các đánh giá khác trong tương lai, ICEM đã đưa ra 3 giải pháp sau:
– Sử dụng thông tin địa hình số hoá ở quy mô rộng thay cho thông tin bề mặt số hoá quy mô nhỏ;
– Bổ sung các mô hình địa lý cho phép đánh giá các tác động khác về hiện tượng thay đổi khí hậu như sóng thần, hạn hán;
– Đưa ra các thông tin địa lý về các biến số môi trường, kinh tế-xã hội trong tương lai phù hợp với các giai đoạn đánh giá về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh nghiên cứu sự dâng ngập do biến đổi khí hậu, các nghiên cứu khác trong tương lai cũng cần đánh giá và định lượng các khía cạnh tác động khác của hiện tượng này như:
– Nghiên cứu hiện tượng sóng thần như một hậu quả của biến đổi khí hậu và tác động của chúng tới môi trường và kinh tế-xã hội.
– Sự thay đổi xu thế nhiệt độ và mưa: điều này sẽ tác động khá nghiêm trọng tới độ che phủ của đất và việc sử dụng đất, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế, động thái dân số và các thông số kinh tế quốc gia khác.
– Cơ chế ứng phó và giảm nhẹ đã được lên kế hoạch và đang được áp dụng – một phần của kế hoạch thích nghi với sự thay đổi khí hậu sẽ trực tiếp tác động tới khả năng tổn thất.
– Những thay đổi cơ cấu của nền kinh tế: Nghiên cứu tác động của hiện tượng thay đổi khí hậu không chấp nhận sự sai lệch về thời gian gây ra bởi các thông số dự báo về kinh tế xã hội và môi trường trong tương lai trước hiện tượng nước biển dâng. Chính vì thế, việc dự báo những thay đổi trong tương lai tới các thông số kinh tế-xã hội và môi trường và biểu hiện về mặt địa lý cần được mô hình hoá để đưa ra những thống kế chính xác về các đối tượng rủi ro.
Cuối cùng, mỗi phân tích tính dễ tổn thương đều dựa vào số liệu quốc gia có liên quan tới thông tin về các tầng địa lý. Để các phân tích khả năng tổn thương và các mô hình có liên quan chính xác, chất lượng của các lớp GIS cần được nâng cấp.
Đề xuất về chính sách và thiết chế nhà nước
6 đề xuất chủ yếu về chính sách, thiết chế và kế hoạch thực hiện cần thiết để Việt Nam ứng phó đầy đủ với những thách thức của hiện tượng thay đổi khí hậu là:
– Các nhà hoạch định phát triển cần áp dụng các nguyên tắc phòng ngừa khi phải đối mặt với những điều khó dự báo ở những khu vực đã được dự báo chính xác và với những tác động hiển nhiên của hiện tượng biến đổi khí hậu;
– Cần có quá trình thực hiện và thảo luận để tạo sự đồng thuận và hợp tác trong tất cả các cơ quan, ban ngành của chính phủ;
– Cần có hướng dẫn cụ thể về những hậu quả có thể xảy ra của hiện tượng biến đổi khí hậu tác động lên các ngành và các địa phương;
– Cần có chỉ đạo quốc gia để hướng dẫn tất cả các cơ quan chính phủ chuẩn bị các kế hoạch thích nghi và giảm thiểu;
– Cần dành khoản ngân sách đặc biệt cho quá trình thực hiện kế hoạch, đặc biệt là ở cấp chính phủ;
– Hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ để phân tích khả năng tổn thương và lên kế hoạch thích nghi.
* Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM) được thành lập năm 1999 nhằm hỗ trợ các chính phủ và các cộng đồng dân cư xây dựng năng lực sử dụng các nguồn lực tự nhiên bền vững và duy trì chất lượng môi trường. ICEM có các chuyên gia về xây dựng thiết chế môi trường, hoạch định chiến lược phát triển, kinh tế môi trường, đánh giá môi trường, bảo tồn, mô hình hoá và củng cố hệ thống thông tin địa lý. Trung tâm cũng hợp tác với các mạng lưới và các tổ chức năng động nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng về bảo tồn và phát triển.
ICEM hoạt động từ cấp địa phương đến toàn cầu song tập trung chủ yếu vào châu Á đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Mekông nhằm thử nghiệm và tìm ra các giải pháp phát triển bền vững. Hơn 10 năm qua, các chuyên gia ICEM đã làm việc ở 14 quốc gia châu Á, bao gồm cả Bănglađet, Cămpuchia, Trung Quốc, Inđônesia, Lào, Malaysia, Nepan, Pakixtan, Srilanka, Thái Lan và Việt Nam.