Giảm túi ni-lông trong hoạt động bán lẻ

ThienNhien.Net – Sáng ngày 13/06 tới, Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu (SCC) sẽ tổ chức lế khai trương dự án “Giảm túi ni-lông trong hoạt động bán lẻ vì lợi ích người tiêu dùng, nhà bán lẻ, người lao động nghèo & môi trường”, đồng thời ra mắt "Câu lạc bộ Khách hàng Xanh Hà Nội”.

Giảm túi nilon trong ngành bán lẻ – Lợi ích ba bên

Đây là một sáng kiến mới của Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu, với mục tiêu “thay thế và từng bước tiến tới loại trừ túi ni-lông ra khỏi đời sống”, trong đó bước đầu tiên tập trung tác động vào việc giảm túi ni-lông trong hoạt động bán lẻ.

Dự án bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị từ tháng 03/2009 với mục tiêu của giai đoạn 1 sẽ cắt giảm 100.000 túi ni-lông mỗi ngày trong hoạt động bán lẻ ở Hà Nội vào cuối năm 2009. Sau đó các giai đoạn mở rộng dự án tại Hà nội và các thành phố khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng v.v. sẽ được triển khai nhằm mục tiêu cắt giảm 1.000.000 túi ni-lông mỗi ngày trong hoạt động bán lẻ vào cuối năm 2011.

Sau hơn 3 tháng chuẩn bị, dự án sẽ chính thức khai trương và cấp phát túi mua hàng thân thiện (FSB) cho 10.000 hộ gia đình ở Hà Nội thông qua sự phối hợp lựa chọn khách hàng nhận túi của 5 hệ thống siêu thị chính tại Hà Nội gồm Hapro, Fivimart, Bài Thơ Rosa, Hà Nội Star, TTTM Vân Hồ (các siêu thị và cửa hàng khác sẽ tiếp tục tham gia trong thời gian tới).

Tuỳ theo nhu cầu thực tế, mỗi gia đình có thể được nhận tối đa 1 túi lớn và 1 túi nhỏ. Ngoài ra, dự án khuyến nghị khách hàng sử dụng túi FSB của dự án kết hợp với bộ túi đựng thực phẩm ướt (thịt, cá v.v.) bằng ni-lông an toàn cho sức khoẻ, có thể dùng nhiều lần.

Túi mua hàng đa năng có đặc điểm bền (dùng được trong 1 – 2 năm), tiện dụng và đặc biệt là có gắn mã vạch. Các siêu thị/cửa hàng đăng ký tham gia dự án sẽ quét mã vạch mỗi khi khách hàng mang túi đi mua hàng. Hàng quý hoặc hàng năm, căn cứ vào số tiền tiết kiệm từ việc cắt giảm túi ni-lông các siêu thị/cửa hàng sẽ dành 50% để trả cho khách hàng dưới dạng giảm giá, tặng quà hoặc trả bằng hàng. Các túi mua hàng được thiết kế thuận tiện cho việc mua sắm hàng ngày. FSB là tài sản của dự án và sẽ bị thu hồi để chuyển cho gia đình khác sử dụng nếu gia đình được cấp túi không hoặc ít sử dụng theo yêu cầu đề ra của dự án”.

Cách tiếp cận của dự là 3W (Win-Win-Win) mang lại lợi ích cho cả ba bên người tiêu dùng – nhà bán lẻ – môi trường. Các nhà quản lý cho rằng dự án cũng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, để cung cấp bộ túi mua hàng FSB cho toàn bộ 800.000 gia đình ở Hà Nội cần số tiền khoảng 135 tỷ đồng (8 triệu USD) nhưng xã hội không phải chi 648 tỷ đồng (38 triệu USD) để mua lượng túi ni-lông như mức tiêu thụ hiện nay, tức là tiết kiệm cho xã hội 513 tỷ đồng/năm. Nhưng điều quan trọng hơn là tác động tiêu cực do túi ni-lông lên môi trường sẽ giảm đi đáng kể. 

Trong khuôn khổ hoạt động, dự án cũng đã thành lập Câu Lạc bộ Khách hàng xanh Hà Nội với thành viên là những các khách hàng nhận túi mua hàng thân thiện FSB của dự án. Câu lạc bộ hoạt động theo hình thức mở, là nơi khách hàng nhận túi FSB của dự án có thể tuỳ ý lựa chọn chủ đề sinh hoạt tháng để tham gia trực tiếp (nếu có thời gian đến dự và giao lưu với các thành viên khác, các chuyên gia và những khách mời tiêu biểu) hoặc theo dõi trên truyền hình Hà Nội.

Câu Lạc bộ đóng vai trò: (1) hỗ trợ khách hàng về thủ tục đăng ký, tiếp nhận và sử dụng FSB và các thông tin hướng dẫn thực hiện quyền lợi nghĩa vụ của thành viên sau khi được phát túi; (2) Tạo diễn đàn hữu ích để các thành viên chia sẻ, hỏi đáp về việc mua sắm, tiêu dùng sản phẩm xanh; (3) Làm cầu nối giữa thành viên câu lạc bộ với các nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm xanh (đặc biệt là các hộ gia đình, các nhà sản xuât nhỏ, và các HTX sản xuất các sản phẩm xanh nhưng không có điều kiện và năng lực tiếp cận thị trường) để cùng mang lại lợi ích và phát triển.

 Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu (SCC) vào tháng 09/2008 trên 200 khách hàng tại Hà Nội cho thấy, bình quân mỗi gia đình sử dụng (được siêu thị/cửa hàng/người bán hàng cấp miễn phí) 11,3 túi ni-lông/ngày và đại bộ phận số túi này chỉ sau một lần sử dụng bị thải ra môi trường.

Điều này không những gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn lãng phí tiền của người dân và xã hội. Theo tính toán nếu mỗi túi ni-lông trị giá trung bình 200 đồng thì với khoảng 800.000 gia đình Hà Nội (cũ) sẽ thải 9.000.000 túi ni-lông/ngày, 270.000.000 túi/tháng, 3.240.000.000 túi/năm tương ứng với số tiền bị lãng phí là 1.800.000.000đ/ngày, 54.000.000.000 đồng/tháng, 648.000.000.000 đồng/năm.

Đến nay đã có nhiều sáng kiến về việc giải quyết vấn đề túi ni-lông như thu gom tái chế, thay thế túi ni-lông bằng các loại bao bì thân thiện mội trường, chế tạo túi ni-lông dễ phân hủy v.v. Tuy nhiên những sáng kiến này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi bởi rất khó cạnh tranh với túi ni-lông vừa rẻ hơn rất nhiều lại tiện dụng.