ThienNhien.Net – Trong phiên họp của Quốc hội ngày 11/06, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn của đại biểu về các vấn đề về chính sách kích cầu nông nghiệp, nông thôn; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và quản lý vật tư nông nghiệp; bảo vệ và phát triển rừng; phát triển thuỷ lợi…
Định hướng sản xuất gắn với sử dụng hiệu quả vốn kích cầu
Đề cập chính sách kích cầu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2009 trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Lê Minh Hiền (Khánh Hoà)…, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, việc định hướng và điều chỉnh sản xuất đang được tiến hành linh hoạt để vừa sử dụng hiệu quả vốn kích cầu của Chính phủ, vừa giảm thiểu được tác động của khủng hoảng nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu lâu dài của ngành.
Các mục tiêu lâu dài là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Định hướng sản xuất trong năm 2009, ngành nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản là thực phẩm thiết yếu và dự báo có thị trường thuận lợi như: gạo, các sản phẩm chăn nuôi, cao su, cà phê, hạt tiêu…
Bên cạnh đó, gắn chặt chẽ sản xuất với chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh công tác theo dõi thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; điều chỉnh kịp thời khi thị trường có biến động.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, để tăng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, trong Chương trình kích cầu, Chính phủ đã ưu tiên dành vốn hỗ trợ khu vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Riêng về đầu tư phát triển, ngoài vốn kế hoạch năm 2009 đã được bố trí (khoảng 20.000 tỷ đồng vốn Ngân sách Nhà nước và 8.000 tỷ đồng vốn TPCP), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 4.000 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho năm 2009 để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn… Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông lâm thuỷ sản năm 2009, dự kiến khoảng 42.000 tỷ, tăng 90% so với năm 2008.
Tập trung chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới
Trước sự quan tâm của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk), Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, thời gian qua tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản diễn biến phức tạp, có nhiều loại dịch bệnh mới, nguy hiểm ảnh hưởng rất lớn đến ngành trồng chọt và chăn nuôi của nước ta và sức khoẻ của con người.
Nhận thức rất rõ về tác hại của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, rầy nâu… trên lúa phát triển trên diện rộng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, Bộ đã tập trung kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu, chọn tạo giống lúa chống chịu sâu bệnh; giao các đề tài khoa học cho Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam… để chọn, tạo giống lúa có khả năng chống chịu với một số loại sâu bệnh hại chính như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá…
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết thêm, Bộ đã có chương trình hợp tác với Viện lúa quốc tế (IRRI), 2 bên luôn có sự trao đổi nguồn gen các giống lúa, các viện nghiên cứu lúa của Bộ mỗi năm tiếp nhận hàng trăm giống lúa mới của IRRI để tuyển chọn hoặc làm vật liệu tạo giống mới. Đây là một hướng quan trọng để có các giống lúa mới chống chịu sâu bệnh phục vụ sản xuất trong nước.
Về biện pháp chỉ đạo đảm bảo mục tiêu độ che phủ rừng đạt đạt từ 41- 43% trong câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, có sự cố gắng nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương để đạt độ che phủ của rừng năm 2008 khoảng 39%. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: xây dựng và hoàn chỉnh chỉnh chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trồng rừng; đẩy nhanh tốc độ trồng mới rừng trong 2 năm 2009 và 2010…
Hỗ trợ nông dân khi sản xuất gặp khó khăn
Đối với chính sách hỗ trợ nông dân khi sản xuất gặp rủi ro, thiên tai, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NNPTNT đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương dự thảo Quyết định về “Cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Bên cạnh hỗ trợ nông dân khi sản xuất gặp rủi ro, Bộ cũng đã trình Chính phủ xem xét các chính sác hỗ trợ ngư dân khi gặp rủi ro trong sản xuất.
Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng ghi nhận một số kiến nghị cũng như khẳng định quyết tâm trước Quốc hội trong việc chỉ đạo các vấn đề liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn đối với các sản phẩn nông nghiệp trong khâu sản xuất, chính sách bảo hộ hàng nông sản trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng; các biện pháp thúc đẩy việc đẩy nhanh tiến độ các công trình thuỷ lợi phục vụ cho nông nghiệp và phát triển nông nông nhất là các công trình thuỷ lợi ngăn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long…