ThienNhien.Net – Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi những năm qua huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa nhiều giống cây trồng có năng suất chất lượng mới vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn, đặc biệt làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, tập trung theo hướng đa cây, mang lại hiệu quả cho người nông dân.
Mô hình đa cây của gia đình anh Trần Thọ Thuấn ở xóm Thọ, xã Thạch Liên là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả với 2,5 sào đất trồng lúa nhưng không chủ động được nước tưới nên năng suất thấp. Sau khi có chủ trương của xã và sự hỗ trợ của Trung tâm chuyển giao Khoa học công nghệ (Trạm Khuyến nông) huyện Thạch Hà, anh Thuấn đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng dưa các loại, rau cải, su hào. Sau khi thu hoạch dưa vụ xuân, anh Thuấn chuyển sang trồng rau trái vụ (rau vụ đông) trồng su hào, bắp cải xen lẫn với các loại rau màu khác.
Vì vậy, trên cùng đơn vị diện tích thay vì làm 1 vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp thì nay anh Thuấn có thể thu hoạch 3 vụ/năm, bình quân mỗi vụ cho thu nhập 8,5 – 9 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Ở Thạch Liên không chỉ có anh Thuấn, đến nay có hàng chục hộ đã áp dụng mô hình này, giúp người dân thay đổi được tập quán sản xuất, cung cấp các sản phẩm tốt, chất lượng cao cho thị trường.
Cùng với xã Thạch Liên, các xã Thạch Tân, Tượng Sơn, Thạch Liên, Thạch Đài, Bắc Sơn… đã thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây dưa chuột, mướp đắng, trồng cây ăn quả, ớt, rau … đều mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bắc Sơn – Trần Bá Hoành cho biết: “Là xã miền núi nên hiệu quả sản xuất thấp, thời gian qua Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất cao cưỡng không chủ động nước sang trồng các loại cây ngắn ngày, đặc biệt là cây dưa đỏ – loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện đất đai và trình độ thâm canh của người dân. Qua hơn 2 năm chuyển đổi cho thấy năng suất các loại cây trồng cao hơn 1,5 – 2 lần so với trồng lúa, năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến cáo, ứng dụng chuyển giao những đối tượng cây trồng mới vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”.
Có thể khẳng định những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Thạch Hà đã đem lại hiệu quả cho người sản xuất, tuy nhiên vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Để phát triển mô hình trên diện rộng huyện cần có đề án quy hoạch phát triển sản xuất tập trung, tạo ra vùng sản xuất hàng hoá thâm canh, chuyên canh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Đồng thời cần có những chính sách khuyến khích để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả cho người nông dân trên từng đơn vị diện tích.