ThienNhien.Net – Thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã nỗ lực bảo vệ, phục hồi và trồng rừng mới của đất nước. Nhờ đó, tỷ lệ đất có rừng che phủ đã được cải thiện nâng lên 33,2% vào năm 2000 và đến năm 2008 đạt tới 39%. Như vậy, trung bình mỗi năm nước ta có thêm 0,6% diện tích đất được che phủ rừng.
Để nhanh chóng “phủ xanh đất trống đồi núi trọc“, Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Trong đó các địa phương tập trung trồng mới rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; bảo tồn và tôn tạo vốn rừng hiện có, nâng cao chất lượng của rừng; thực hiện các giải pháp nhằm chống khai thác rừng bừa bãi, phá hoại rừng để sử dụng vào mục đích khác…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong việc bảo tồn đất tự nhiên để duy trì tính độc đáo và đa dạng sinh học của đất nước. Sau hơn 10 năm thực hiện Công ước quốc tế về đa dạng sinh học, nước ta hiện có 126 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích trên 2,5 triệu ha, tăng 28% so với trước khi tham gia Công ước.
Các khu bảo tồn thiên nhiên, các rừng quốc gia đã được bảo tồn và duy trì hệ sinh thái đa dạng. Phấn đấu chỉ tiêu tăng tỷ lệ đất được bảo tồn lên 11,6% vào năm 2010, tăng dần đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện tỷ lệ này chiếm khoảng 20-30% tổng đầu tư cho lĩnh vực môi trường.
Tiếp tục thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong những năm tới Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ cải thiện và mở rộng diện tích rừng giàu, rừng kín, rừng nguyên sinh; ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng, cháy rừng và khai thác bừa bãi vốn rừng; tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn các khu vực giàu đa dạng sinh học, đi đôi với quản lý, bảo vệ chặt chẽ việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.