Hiệu quả các dự án nuôi thủy sản tập trung ở Thái Bình

ThienNhien.Net – Thái Bình đã đầu tư hơn 110 tỷ đồng xây dựng 16 dự án chuyển đổi vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nước ngọt tập trung, hiệu quả vượt trội gấp 4 -5 lần so với trồng lúa trước đây. Đến nay, có 7/16 dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng đi vào sản xuất. Sau khi chuyển đổi, các chủ hộ tiến hành huy động vốn đào ao đảm bảo kỹ thuật, chủ yếu là nuôi thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, khai thác triệt để diện tích đất bờ trồng cây ngắn ngày, tạo nguồn thức ăn xanh cho cá và phân bón cho ao nuôi, giảm chi phí sản xuất và tăng thêm thu nhập.

Xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình), Bách Thuận (Vũ Thư), sau 3 năm chuyển đổi, các vùng cấy lúa kém hiệu quả được thay bằng các vườn hoa, cây cảnh, ao cá, thu 80-125 triệu đồng/ha. Các dự án chuyển đổi bước đầu tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa. Một số hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại có khối lượng hàng hóa khá lớn như trang trại của anh Vân ở Bình Thanh (Kiến Xương) quy mô 10 ha thả cá, nuôi gần 10.000 con vịt và ngan, doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là việc dồn đổi đất đai khó khăn, tiến độ triển khai các dự án chậm. Một số dự án thiếu các hạng mục công trình đầu mối như đường điện, đường giao thông, hệ thống kênh nhánh, xây dựng chưa đồng bộ, chủ yếu theo hướng tự phát. Dự án ở xã Đông Lĩnh, Vũ Phúc tuy là vùng trũng nhưng khi chuyển sang nuôi thủy sản phải đầu tư lớn, phá vỡ mặt bằng, hiệu quả không cao.

Một số dự án chưa tuân theo quy trình được duyệt, năng suất hiệu quả thấp, quy mô nhỏ; việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu. Vốn cho các hộ còn thiếu, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Mặt khác đây là các dự án chỉ có một số hộ hưởng lợi, nên nhân dân các xã có dự án không đồng tình dành vốn ngân sách xã để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hầu hết các dự án chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất do giao đất có thời hạn nên không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Tháo gỡ những vướng mắc, Thái Bình chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương tiến hành dồn đổi đất đai, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất và triển khai các thủ tục công nhận gia trại, trang trại, tạo điều kiện cho các hộ trong vùng dự án được vay vốn, chuyển giao kỹ thuật phát triển sản xuất. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước cho 16 vùng đã chuyển đổi. Những dự án chậm tiến độ, thiếu một số hạng mục công trình, chủ đầu tư tiếp tục lập thiết kế, dự toán bổ sung, thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng, lựa chọn hộ có điều kiện đầu tư và đưa các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để đạt hiệu quả cao.