ThienNhien.Net – Đã nhiều năm nay, cứ đến thời điểm này trên địa bàn Lào Cai lại xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở nhiều nơi, bởi hầu hết các công trình thủy lợi và điểm cấp nước sinh hoạt đều khai thác các dòng chảy tự nhiên trên sông, suối trong khi vào mùa khô ở vùng cao, dòng chảy cạn do rừng đầu nguồn không đảm bảo diện tích cần thiết, dẫn đến không đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Lào Cai chỉ đạo các ngành chức năng: Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Chi cục phát triển lâm nghiệp, Kiểm lâm… phối hợp với chính quyền cơ sở nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn nhân dân trồng và bảo vệ rừng; tìm biện pháp hỗ trợ người dân vốn trồng và bảo vệ rừng, chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước.
Theo số liệu thống kê, hiện Lào Cai có tỷ lệ rừng che phủ trên 40% diện tích tự nhiên, tương đương 307.573 ha, trong đó có 249.434 ha rừng tự nhiên và 58.139 ha rừng trồng, tăng hơn 2 lần so với 1991 (thời điểm mới tái lập tỉnh). Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng diện tích rừng, nhất là rừng đầu nguồn Lào Cai vẫn chưa phủ kín, nhiều vùng đất trống đồi trọc đang có nguy cơ sa mạc hoá do đầu tư khoanh nuôi và trồng rừng chậm, thiếu đồng bộ nhất là các huyện vùng cao Si Ma Cai, Bắc Hà và Mường Khương.
Từ nhiều năm nay, các xã vùng cao trong tỉnh luôn trong tình trạng thiếu nước, kể cả mùa mưa. Nhiều hệ thống nước tự chảy ở các xã vùng cao như Tả Gia Khâu (Mường Khương), Sín Chéng (Si Ma Cai), Lầu Thí Ngài (Bắc Hà) thiếu nguồn cung cấp nước nghiêm trọng ngay từ cuối năm.
Theo ông Nguyễn Chính Cương, Trưởng Chi cục cấp nước nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, trong những năm qua, bằng các nguồn vốn chương trình 135, WB, ODA, ADB… các công trình cấp nước ở Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh có 73 hồ chứa, 485 đập dâng kiên cố và 2 trạm bơm, 582 đập tạm và 1.200 km kênh mương xây bằng bê tông.
Về lý thuyết, các công trình này sẽ đảm bảo chủ động tưới tiêu cho 7.000 ha lúa xuân, trên 12.000 ha lúa mùa, chiếm gần 85% diện tích canh tác cả hai vụ, tăng gần 5.000 ha so với năm 2000. Tương tự, với hơn 46.775 công trình cấp nước sinh hoạt cũng sẽ đáp ứng 70% số hộ được sử dụng nước sạch, tăng mạnh so với năm 2000.
Tuy nhiên, ngoài một số lý do như khâu khảo sát thiết kế chọn vị trí xây dựng không phù hợp, người sử dụng thiếu ý thức tự quản, nguyên nhân thiếu nước sâu xa vẫn là do tình trạng phá rừng đầu nguồn bừa bãi chưa bù đắp nổi. Tình trạng thiếu nước gay gắt ở 2 xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin và một số xã vùng cao khác của Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai đã buộc các ngành chức năng và tỉnh phải tổ chức di chuyển hàng trăm hộ đồng bào Mông xuống các xã vùng thấp như Bản Lầu và sang các xã A Mú Sung, Trịnh Tường (huyện Bát Xát), Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) và Sơn Thuỷ (huyện Văn Bàn) định canh định cư.