ThienNhien.Net – Nới lỏng quy định về thời gian lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một trong số rất nhiều nội dung có trong Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XII. Đề nghị này đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội tán thành trong báo cáo thẩm tra số 790/BC-UBKT12. Tuy nhiên, ngay từ ý tưởng, nó đã va phải nhiều ý kiến quan ngại và phản đối.
ĐTM ở Việt Nam – Một nửa cốc nước
Khó cho nhà quản lý
Trong số 26 ý kiến phát biểu tại phiên họp QH toàn thể sáng hôm qua, 08/06/209, có 7 đại biểu góp ý thẳng vào vấn đề sửa đổi Luật BVMT. Các ý kiến đều cho rằng việc thay đổi như đề nghị trong bản dự thảo là “cần phải cân nhắc, xem xét”, “không phù hợp”, “chưa cần thiết, “không nên“.
Các điều khoản luật và quy định hiện hành về ĐTM đã khá đầy đủ và chặt chẽ, nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều bất cập, thiếu hiệu lực, thậm chí không được tuân thủ đầy đủ hoặc bỏ qua bởi chính các nhà đầu tư, chủ dự án, hội đồng thẩm định hoặc cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM. Nếu các điều khoản của Luật BVMT 2005 bị sửa đổi như dự thảo, thì công tác quản lý, kiểm tra và giám sát yêu cầu BVMT sẽ càng trở nên khó khăn hơn, làm mất đi thuộc tính dự báo, ngăn ngừa của quá trình thực hiện ĐTM.
Đại biểu tỉnh Hưng Yên, ông Lê Văn Hưng, nhận xét: “Pháp luật của chúng ta đã có tương đối đầy đủ những đổi mới trong chính sách pháp luật để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng này vẫn ngày một nghiêm trọng. Chúng ta cũng phải sửa Bộ luật hình sự để xử lý tình trạng này, việc sửa đổi Điều 19, Điều 22 Luật BVMT rõ ràng theo tôi không phù hợp với yêu cầu thực tế và cũng không đảm bảo được tính thống nhất trong chính sách pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề môi trường.”
Ông Nghiêm Vũ Khải, đại biểu tỉnh Điện Biên đã khẳng định “quy định của luật hiện hành là rất hợp lý” và “việc lập báo cáo ĐTM là cần thiết để tính tất cả những trách nhiệm môi trường và những rủi ro trong quá trình vận hành có thể xảy ra”, và do vậy việc sửa đổi “cần hết sức cân nhắc”.
Ông Lê Quốc Dung, đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng việc sửa đổi như đề xuất là rất sơ hở. Một trong những điểm dễ bị lợi dụng xuất phát từ chữ “tùy“, đồng thời sẽ rất khó giải quyết trong trường hợp dự án chuẩn bị khởi công, hoặc đã khởi công nhưng báo cáo ĐTM không được duyệt. Còn đại biểu tỉnh Kon Tum cho rằng các quy định theo dự thảo là “trái với bản chất của việc lập báo cáo ĐTM”.
Hiện nay, nhiều chủ dự án vốn đã coi việc thực hiện ĐTM là một rào cản hành chính, nếu tạo cho họ cơ hội lần khất việc lập và xét duyệt ĐTM đến sát với thời điểm khởi công, họ càng chịu sức ép để có được ĐTM phê duyệt bằng bất cứ giá nào.
Điều 19 (Khoản 2) | Điều 22 (Khoản 4) | |
Tờ trình Dự án Luật sửa đổi | Tùy theo quy mô và tính chất của dự án, dự án đầu tư phải lập Báo cáo ĐTM đồng thời với Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc trước khi khởi công xây dựng theo quy định của Chính phủ.” | Báo cáo ĐTM trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 21 của Luật này trước khi khởi công xây dựng dự án. |
Luật BVMT hiện hành (2005) | Báo cáo ĐTM phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. | Các dự án quy định tại Điều 18 của Luật này chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. |
Tăng rủi ro đầu tư, chưa xuất phát từ lòng dân
Một số đại biểu cho rằng nội dung bản dự thảo sửa đổi mới chỉ phản ánh bức xúc của các nhà đầu tư mà chưa bám sát vào tình hình thực tiễn cuộc sống của nhân dân nơi có dự án cũng như yêu cầu về an ninh môi trường quốc gia. Tuy nhiên, ngay cả trên quan điểm lợi ích của doanh nghiệp, một số ý kiến phân tích đã cho thấy chưa chắc nhà đầu tư đã được hưởng lợi hoàn toàn. Rất có thể họ sẽ phải gánh rủi ro cao hơn.
Bà Lý Kim Khánh, đại biểu tỉnh Cà Mau, lý giải: “Việc đánh giá tác động môi trường là điều kiện “cần” để phê duyệt dự án vì nó gắn liền với sự lựa chọn địa điểm đầu tư. Vì vậy nếu cho phép đánh giá tác động môi trường sau, mà các thủ tục khác đã xong nhưng đến khâu đánh giá tác động môi trường lại không đạt yêu cầu thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức của chủ đầu tư.”
Ông Khải nhận xét rằng quy định như vậy có vẻ như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng thực ra tạo điều kiện thuận lợi không nhiều, mà ngược lại gây ra những nguy cơ và rủi ro nhiều hơn. Trong trường hợp báo cáo đầu tư được phê duyệt trước khi khởi công, nhưng ĐTM chưa thông thì những gì chi phí trước đó của doanh nghiệp không biết ai sẽ bù đắp, vả lại nếu doanh nghiệp dùng mọi cách để phê duyệt cho bằng được báo cáo ĐTM thì sau này trong giai đoạn vận hành chính họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn còn lớn hơn nhiều, đối mặt với dư luận và thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động hoặc di dời đi chỗ khác.
Phải tiếp tục củng cố và ưu tiên chế tài ĐTM
“Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mà ở đó chúng ta cần phải lựa chọn các dự án, chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá, trong đó lựa chọn vấn đề môi trường là vấn đề quan trọng trước hết.” Ông Lê Quốc Dung, đại biểu tỉnh Thái Bình, khẳng định lại điều mà lâu nay báo chí vẫn cho rằng chưa được coi trọng đúng mức.
Đại biểu tỉnh Điện Biên, ông Nghiêm Vũ Khải, đưa ra gợi ý sử dụng các công cụ kinh tế để kích thích quá trình đầu tư. Bên cạnh các hỗ trợ lãi suất ngân hàng, giảm thuế và chi hàng chục nghìn tỷ cho những gói kích cầu, chính phủ có thể trích một phần của gói kích cầu này hỗ trợ doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ông giải thích đây là một mũi tên bắn trúng nhiều đích: Vừa giúp cho doanh nghiệp, lại vừa tăng ngân sách cho môi trường, cải thiện thực tế hiện nay Việt Nam chỉ có 1% ngân sách cho môi trường, còn quá ít so với yêu cầu thực tế.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là cơ sở quan trọng để quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ diễn ra vào ngày 19/06 tới.
Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực ĐTM từ cuộc phỏng vấn nhanh của ThienNhien.Net: GS.TS. Lê Thạc Cán, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững: “Báo cáo ĐTM có mục tiêu đảm bảo tính bền vững về kinh tế- xã hội- môi trường của các dự án phát triển, vì vậy nhất thiết phải được lập và xem xét đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Quan hệ giữa quy mô, tính chất của dự án với mức độ cần thiết về ĐTM đã được xác định một cách cụ thể trong các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật BVMT. Tôi cho rằng đề nghị sửa đổi trên đây tạo một độ tự do quá lớn cho việc dự án có thực hiện thủ tục ĐTM hay không, trái với Luật BVMT 2005, các văn bản hướng dẫn luật và các quy định về ĐTM đã được xác định. Khoản 4 của điều 22 của Luật BVMT hiện hành là để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM. Kết quả phê duyệt báo cáo này phải được xem xét trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện dự án, không thể chỉ nói chung là trước khi khởi công xây dựng dự án. Nếu sửa như đề nghị thì có thể trong các khâu: phê duyệt, cấp phép đầu tư, khai thác sẽ không cần xem xét báo cáo ĐTM. Như vậy là quá lỏng lẻo về quản lý môi trường, tạo điểm yếu về phát triển bền vững. Nhìn chung, xét về ý nghĩa tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển được thực hiện một cách bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường và lâu dài thì các quy định về ĐTM, ĐMC (Đánh giá Môi trường Chiến lược) của Luật BVMT 2005 đã đáp ứng các yêu cầu cần thiết không cần nới rộng hay sửa đổi.” Ông Phạm Quang Tú, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển: “Để bàn về vấn đề này, trước tiên chúng ta cần có cách nhìn về vấn đề điều chỉnh luật và mối quan hệ giữa các luật với nhau. Theo tôi, khi nói đến một vấn đề gì thì phải lấy luật điều chỉnh vấn đề đó làm cơ sở để điều chỉnh các luật khác. Vì thế, đối với vấn đề môi trường trong đầu tư xây dựng cơ bản thì phải lấy luật môi trường làm gốc, làm cơ sở để đưa ra các điều chỉnh – có như thế mới tránh được thực tế mà chúng ta vẫn đang gặp từ trước đến nay đó là “mạnh ai nấy chạy”. Với quan điểm như vậy, cá nhân tôi không đồng tình với đề nghị chỉnh sửa nội dung Luật BVMT. Cụ thể: – Đề nghị chỉnh sửa khoản 2 điều 19 như dự thảo là không hợp lý, bởi vì ở bất kỳ quy mô dự án nào thì vấn đề về môi trường cũng cần được quan tâm ngay từ đầu để đảm bảo hướng tới “phát triển bền vững”, hài hòa giữa các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường mà Việt Nam đang nỗ lực hướng tới. – Đề nghị chỉnh sửa ở khoản 4 điều 22 sẽ vô tình biến việc triển khai các hoạt động liên quan đến ĐTM của dự án thành “hoàn thành thủ tục” và “cấp giấy thông hành” – điều này sẽ dẫn đến tình trạng đối phó, xây dựng báo cáo và phê duyệt qua loa chỉ làm để cho có mà hiệu quả sẽ rất thấp. Khi đề xuất các sửa đổi này, người ta có thể lý giải là để “tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp” – nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao chúng ta không có tư duy giải quyết vấn đề ngay từ đầu mà vẫn đi theo lối tư duy cũ là “nước đến chân rồi mới nhảy”? Việt Nam đang hướng tới “phát triển bền vững” và “tăng cường trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp”. Vậy thì những vấn đề về bảo vệ môi trường, công bằng xã hội phải được đặt ra ngang bằng với vấn đề kinh tế (trong luận chứng dự án khả thi) – và như thế, vấn đề về môi trường, báo cáo ĐTM nhất thiết phải được lập trong giai đoạn đầu tiên – đồng bộ với luận chứng khả thi để xem xét, cân nhắc có đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư hay không? Cũng cần phải nói thêm rằng việc yêu cầu doanh nghiệp lập báo cáo ĐTM ngay từ đầu không chỉ nên được hiểu là “yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp” mà về mặt dài hạn nó giúp cho doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, ít gặp rắc rối, rủi ro và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp hơn (bài học VEDAN trong bối cảnh hiện tại đang cho thấy vấn đề này khi VEDAN đang phải bỏ ra hàng tỷ, trăm tỷ đồng để khắc phục vấn đề môi trường) – nó cũng góp phần tăng cường “trách nhiệm môi trường, xã hội” cho doanh nghiệp – một yêu cầu thiết yếu trong tư duy kinh doanh ở thời đại mới. Lâu nay, ĐTM được coi là “món đồ trang sức” và là “giấy thông hành” mà luật pháp yêu cầu doanh nghiệp “mặc vào” khi thực hiện dự án. Trên thực tế tính khoa học và hiệu lực thực thi, giám sát việc thực hiện ĐTM của chúng ta đang rất yếu. Đó cũng chính là lý do tại sao doanh nghiệp cảm thấy “ĐTM là thủ tục hành chính rườm rà”. Doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để thuê tư vấn thực hiện nó – nhưng tính hiệu lực thực thi trên thực tế không có – vì thế doanh nghiệp có cảm giác “có ĐTM cũng thế, không có ĐTM cũng thế”. Việc nới lỏng các quy định này và không đưa vấn đề đánh giá ĐTM vào như một “điều kiện tiên quyết” ngay từ đầu chắc chắn sẽ làm rộng thêm kẽ hở về BVMT trong lĩnh vực này. Nó sẽ tiếp tục góp phần vào tư duy “làm ĐTM cho có” của doanh nghiệp trước khi bắt đầu khởi công dự án – và “món đồ trang sức ĐTM” vẫn tiếp tục bắt buộc phải đeo vào nhưng ý nghĩa thực tế về BVMT sẽ rất hạn chế. Thiết nghĩ, trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam – trong lĩnh vực xây dựng cần phải cân nhắc đến việc “chất hơn là lượng” – chúng ta cần phải đảm bảo các công trình được xây dựng lên phải có chất lượng (bao gồm cả vấn đề về BVMT) hơn là cứ xây dựng thật nhiều công trình kém chất lượng, ít quan tâm đến vấn đề về môi trường. Nếu vậy, thay vì “nới lỏng” các quy định về môi trường, chúng ta cần quan tâm hơn, thắt chặt hơn các vấn đề Luật BVMT để đảm bảo phát triển bền vững. Cần tập trung nhiều hơn về tăng cường chất lượng của các báo cáo ĐTM, ĐMC và hệ thống thực thi, giám sát các vấn đề này về sau. Vì thế, việc yêu cầu có báo cáo ĐTM ngay từ bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, cũng như việc yêu cầu dự án chỉ được phê duyệt, cấp giấy phép đầu tư, xây dựng sau khi báo cáo ĐTM đã được phê duyệt là việc cần thiết – cần phải được duy trì và không nên thay thế, nới lỏng. TS. Vũ Quang, Giảng viên Bộ môn Luật Kinh doanh, Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội: Các nhà đầu tư, đương nhiên, chỉ và bao giờ cũng mong muốn gia nhập thị trường càng nhanh chóng, càng thuận lợi càng tốt. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Vấn đề phải giải quyết là: Thứ nhất: Về nguyên tắc không thể nới lỏng các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và ĐTM nói riêng theo nghĩa dễ dãi hơn, bỏ qua những yêu cầu ngày càng cao về BVMT; Thứ hai: Và vì vậy có thể xem xét lại các quy định, nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện chúng theo yêu cầu thực tiễn mà về cơ bản càng ngắn gọn về mặt thủ tục, càng dễ dàng và càng có lợi về mặt áp dụng thì càng tốt, Thứ ba: Phải tìm được tiếng nói chung giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học môi trường, các nhà khoa học pháp lý và các nhà đầu tư. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đã nhận thức rất rõ vấn đề BVMT qua những vụ việc gần đây nên cần những thảo luận nghiêm túc, nhiều chiều và phản biện có trách nhiệm mới giải quyết được vấn đề. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định cho rằng “ĐTM cũng là một giải pháp giảm rủi ro trong đầu tư”. Như trên tôi đã nói, những quy định về ĐTM phải được hoàn thiện theo hướng mang lại lợi ích cho chủ thể khi họ thực hiện chúng. Về lý thuyết, đương nhiên nếu nhà đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật về ĐTM thì sẽ giảm thiểu được nhiều rủi ro phát sinh. Trong đó trước hết là các rủi ro pháp lý. Con người pháp luật là con người tự do mà! Hơn ai hết các nhà đầu tư hiểu rất rõ điều này. Từ phương diện người nghiên cứu khoa học pháp lý chuyên ngành kinh doanh và pháp luật môi trường, tôi cho rằng cần bổ sung thêm các quy định mang tính chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn và phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt là quá trình áp dụng chúng trong thực tiễn đời sống trong đó có việc giám sát hậu thẩm định Báo cáo ĐTM của các dự án. Vì thời gian qua việc này chưa được quy định rõ ràng và chưa được thực hiện tốt, có tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Một điều căn bản nữa là, sau hai thập kỷ đổi mới kinh tế, chúng ta đã bước đầu thu được một số thành tựu nhất định, đã có “bát ăn bát để”, bởi vậy việc thông minh nên làm là đầu tư và phát triển có cân nhắc, có tính toán, tránh tình trạng phát triển “bản năng” và tư duy “nhiệm kỳ!” TS. Đào Trọng Hưng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật: ĐTM có ý nghĩa hay không là phụ thuộc chính vào chất lượng và tính khả thi của chính ĐTM. Kẽ hở của ĐTM phụ thuộc phần lớn vào Hội đồng đánh giá và cấp phê duyệt. Làm thế nào để ĐTM được đánh giá bởi các chuyên gia có trình độ năng lực và có tâm, khách quan, vô tư, giúp năng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT của chủ đầu tư, đồng thời giám sát được các hoạt động gây tác hại môi trường của dự án. Rủi ro đầu tư hoàn toàn có thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu trước khi khởi công dự án, hoặc xem xét kỹ khi lập dự án khả thi. Tất nhiên chủ đầu tư và các tư vấn dự án đương nhiên sẽ phải cân nhắc về thủ tục và nội dung ĐTM cần phải lập và phê duyệt ngay trong khi dự án mới hình thành ở mức ý tưởng. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng ĐTM phải bắt buộc lập và phê duyệt ngay trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi thì mới giảm thiểu rủi ro cho dự án. Chất lượng của ĐTM là quan trọng nhất. ĐTM phải được hiện thực hóa trong kế hoạch quản lý môi trường của cả đời dự án và kiểm soát môi trường trong suốt các hoạt động của dự án. Đồng thời ĐTM vẫn có thể phải bổ sung và điều chỉnh phù hợp với các hoạt động phát sinh hoặc các hoạt động chưa được kiểm soát hết tác hại môi trường. ĐTM không phải là một công cụ bất biến, mà ngược lại ĐTM cũng không phải có thể thay đổi theo ý đồ của chủ đầu tư hay nhóm lợi ích nào.” |