Chim cú thay thế vai trò thuốc bảo vệ thực vật

ThienNhien.Net – Nằm trong khuôn khổ Dự án Chim cú Toàn cầu, tại khu vực Trung Đông, chim cú và chim cắt đang được sử dụng để khống chế loài động vật gặm nhấm phá hoại mùa màng.

Israel là nơi đang có xu hướng giảm sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại và xu hướng này đã trở thành một chương trình quốc gia được chính phủ tài trợ.

Các nhà khoa học và các tổ chức từ thiện bảo vệ môi trường tại Jordani và Palestine cũng đã tham gia thực hiện kế hoạch này.

Theo Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế, hàng trăm loài chim săn mồi – trong đó có rất nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng – đã mất mạng sau khi ăn các loài gặm nhấm nhiễm độc trên các cánh đồng.

Các nhà khoa học tại Israel hiện đang phối hợp cùng nông dân để giải quyết vấn đề trên bằng cách triển khai kế hoạch sử dụng các loài chim này để khống chế các loài vật phá hoại tự nhiên.

Ông Motti Charter, một nghiên cứu sinh thuộc trường đại học Tel Aviv, đồng thời là trưởng nhóm của dự án Chim cú Toàn cầu tại Israel cho biết: Nhiều nông dân nghĩ rằng hóa chất là lựa chọn duy nhất để diệt các loài gặm nhấm phá hoại mùa màng. Họ sử dụng máy bay để phun thuốc lên trên các cánh đồng với lượng lớn. Dự án của chúng tôi cố gắng tiếp cận với người nông dân, khuyến khích họ giảm lượng thuốc diệt chuột và thay thế bằng các tổ chim”.

Dự án này bắt đầu vào năm 1983, bằng việc xây dựng một số tổ chim trong một ngôi làng tại thung lũng Bet-She’an, phía nam bờ biển Galile. Dự án đã dần được mở rộng và hiện có thêm cả các tổ chim cắt.

Chim cắt sẽ săn mồi vào ban ngày còn chim cú sẽ hoạt động vào ban đêm. Mối đe dọa 24/24h đã khiến cho các loài vật gặm nhấm thay đổi thói quen hoạt động của mình, giúp các vụ mùa chịu ít thiệt hại hơn.

Hiện nay có khoảng 1000 tổ chim lợn ở các khu vực xung quanh Israel.

Do loài cú lợn ở Israel phân bố ít hơn ở châu Âu, và vì số lượng của loài gặm nhấm ổn định suốt năm, các tổ chim được đặt tương đối gần nhau.

Ông Tony Warburton, giám đốc danh dự của Tổ chức Bảo tồn Cú Thế giới cho biết: “Jordani gần đây cũng đã bắt đầu tham gia vào dự án này. Các loài chim này sẽ làm tổ ở bất cứ nơi nào có nguồn thức ăn dồi dào và một nơi cư trú thích hợp, chúng không cần biết đến ranh giới giữa các quốc gia. Do đó, các quốc gia có thể hợp tác với nhau”.