ThienNhien.Net – Các khu công nghiệp, khu chế xuất phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động, và các chủ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải có trách nhiệm đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, xây dựng hệ thống xử lý khí thải và kiến nghị đóng cửa các doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng.
Thiếu tướng Lâm Minh Chiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định như trên tại Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, khu chế xuất” do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 08/06.
Nhằm bảo đảm cho lực lượng cảnh sát môi trường hoạt động hiệu quả, thời gian tới, ngành sẽ xây dựng lực lượng này theo hướng là cơ quan điều tra nhằm tiến hành một số hoạt động điều tra phù hợp với yêu cầu công tác phòng ngừa đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các tham luận tại Hội thảo đều cho rằng vấn đề nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, khí thải đang là vấn đề gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là nước thải.
Tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thấp. Nhiều doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành đối phó khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe và sản xuất của người dân. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có chiều hướng gia tăng. Một số vụ việc gây hủy hoại đất, nguồn nước rất nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.
Theo Cục Cảnh sát Môi trường (C36-Bộ Công an), đến cuối năm 2008 trên cả nước đã có 60/219 khu công nghiệp-khu chế xuất xây dựng nhà máy xử lý nước thải, với lượng nước xử lý đạt 30%. Tại các khu công nghiệp-khu chế xuất, lượng nước thải công nghiệp ước tính khoảng 1.000.000m3/ngày đêm (chiếm 35% tổng lượng nước thải trên toàn quốc), trong đó, hơn 75% xả trực tiếp ra môi trường, không hề qua một bước xử lý nào.
Tại tất cả các khu công nghiệp-khu chế xuất các chỉ tiêu về BOD, COD, Coliform, tổng chất rắn lơ lửng, phốt pho tổng, amoniac, kim loại nặng đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn, sông Nhuệ-Đáy và sông Cầu.
Mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai nhận 1.740.000m3 nước thải công nghiệp, trong đó có khoảng 671 tấn cặn lơ lửng, 1.130 tấn BOD5, 1.789 tấn COD, 104 tấn Nitơ, 15 tấn phốtpho và kim loại nặng.
Theo dự báo đến năm 2010, khối lượng chất thải rắn của Việt Nam sẽ là 4,8 triệu tấn/năm, trong đó chất nguy hại là 630.000 tấn. Khu vực phát sinh chất thải rắn nhiều nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.