ThienNhien.Net – Đứng trước mặt hồ bao phủ bởi những đám mây là là, Arwa Viku – vị thủ lĩnh tinh thần của bộ tộc người da đỏ Arhuaca – đốt những chiếc lá khô với hy vọng khói sẽ mang theo thông điệp, lời cầu nguyện, mong ước của bộ tộc ông về sự phục hồi nguồn nước.
Tại khu vực trung tâm địa hình núi non của Colombia, người dân bộ tộc Arhuaca đang lo ngại rằng nguồn cấp nước của quốc gia này đang bị đe dọa bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp tự phát đang ngày càng được mở rộng.
Nghi lễ chủ yếu được thực hiện tại “các đồi trọc” của đất nước này, hoặc những khu vực bằng phẳng trên các rặng núi. Những khu vực này nằm ở độ cao hơn 3 000 m, phủ đầy cỏ, cây bụi, và các thảm thực vật khác, hấp thụ nước và bồi đắp cho những con sông ở Colombia.
Viku trầm ngâm nói: “Hơn một nửa hành tinh của chúng ta đã bị tàn phá. Mẹ trái đất của chúng ta đã bị xâm phạm và bạc đãi. Vì vậy hãy giúp chúng tôi cùng quan tâm đến những gì còn lại. Bên cạnh việc đem lại rất nhiều lợi ích, Trái đất cũng đang cảnh báo và yêu cầu nhân loại dừng ngay những hành động chống lại môi trường.”
Colombia nổi tiếng với nguồn cung nước ngọt phong phú. Nhưng cuộc chiến những năm 1960 với sự ra đời của Lực lượng vũ trang Cách Mạng Colombia (FARC) cùng với hiện tượng trái đất nóng lên đã tàn phá môi trường nơi đây.
Quá trình sản xuất cocain nhằm hỗ trợ tài chính cho FARC với việc sử dụng nhiều hóa chất cũng gây thiệt hại nặng nề tới các hệ sinh thái của Colombia. Một chiến dịch an ninh được sự bảo trợ của Mỹ đã đẩy các chiến sĩ du kích tới những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, nơi mà bạo lực, việc sản xuất cocain và các hoạt động phá hủy môi trường đang không được giám sát.
Các thành viên bộ tộc Arhuaca tin rằng nước là thực thể sinh vật sống, nó có thể nghe và cảm nhận. Họ đang quẹt những hòn đá vào nhau để đánh lửa đốt đống lá khô cho khói từ đồi trọc bay đến những nơi khác trên khắp đất nước – nơi nguồn cung cấp nước đang bị đe dọa.
Những đồi trọc này rất quan trọng trong việc duy trì con sông Magdalena cắt ngang đất nước này. Các đồi trọc cũng hình thành nên sông Orinoco, nối liền Colombia với các nước láng giềng Venezuela và Brazil.
Emilio Rodriguez, một quan chức trong ngành môi trường của Colombia cũng cho rằng tình trạng các đồi trọc hiện nay là rất đáng lo ngại vì đó chính nguồn trữ nước chính cho thủ đô Bogota.
Thêm vào đó, những người dân nghèo Columbia phải sơ tán vì chiến tranh thường đến các công viên quốc gia để tìm kiếm những mảnh đất phì nhiêu, dựng lên các trang trại, đồn điền và nông trại gia súc. Những hoạt động bất hợp pháp này không được quản lý và có thể làm môi trường bị phá hủy nặng nề.