ThienNhien.Net – Sự kiện đảo Lohachara thuộc vùng vịnh Bengal bị nước biển nhấn chìm đã khiến con người lần đầu tiên phải tị nạn vì vấn đề môi trường. Bài viết dưới đây của Dan McDougall ghi lại hoàn cảnh của những người dân đảo ở đồng bằng Sundarbans, những người không có lối thoát nào trước sự dâng lên của mực nước biển.
Những nạn nhân vô tội của sự nóng lên toàn cầu
Kiệt sức và bế tắc giữa vùng sóng mạnh của vịnh Bengal, Dependra Das giơ cánh tay lên cho chúng tôi thấy những vết thương dưới làn da bong tróc bị phá hủy bởi nước mặn của mình. Các ngón tay lún sâu vào đống bùn đen nhầy nhụa 6 tiếng/ngày, người đàn ông 70 tuổi này không làm được gì hơn ngoài việc chống chọi với thủy triều bằng cách xây dựng một con đê thô sơ bao quanh hòn đảo Ghorama thuộc châu thổ Sundarbans, nơi có khu rừng ngập mặn rộng lớn nhất thế giới.
Bên cạnh ông, những người dân đảo Ghorama, kể cả phụ nữ cũng phải xếp thành những hàng dài dọc bờ biển để xây nên những con đập con đập bằng bùn và cát như vậy. Đối với người dân nơi đây, một ngày mới đều bắt đầu và kết thúc như nhau. Khi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông từ lục địa Ấn Độ văng vẳng dội về, họ lê bước trở về túp lều hoang sơ của mình. Và khi bình minh lên, con đập đã bị sóng biển phá hủy, công việc xây dựng của họ lại bắt đầu.
Tại đây, giữa vùng đất thấp thuộc Sundarbans, Dependra Das lại chuẩn bị mất ngôi nhà thứ ba của mình cho biển cả. Đối với người ông của bảy đứa cháu này, sự nóng lên của Trái đất là thật, chứ không chỉ là những phỏng đoán trên các phương tiện truyền thông.
Trong chuyến thực tế 3 ngày tại Sundarbans, đi thăm những ngôi làng khác nhau ở bốn hòn đảo riêng biệt, chúng tôi nhận ra rằng, trường hợp của Dependra Das không phải là cá biệt. Dọc phần lãnh thổ Ấn Độ của châu thổ, nhà cửa đã bị cuốn trôi, đồng ruộng và cây ăn trái bị phá hủy bởi những cơn mưa mùa ngày càng tồi tệ, các điều kiện sinh kế của người dân cũng đã bị sóng biển nhấn chìm.
Những khó khăn mà người dân nơi đây đang phải trải qua chính là bằng chứng sống động cho lời cảnh báo của các chuyên gia môi trường rằng: Tác động của sự nóng lên toàn cầu sẽ càng nghiêm trọng hơn đối với những người góp phần ít nhất vào việc gây ra nó và có ít khả năng nhất để cứu bản thân họ. Đối với phần lớn người dân nơi đây, xây dựng con đê cát để ngăn sóng là lựa chọn duy nhất của họ.
Với một phần ba lãnh thổ thuộc Ấn Độ và hai phần ba thuộc Bangladesh, Sundabans là nơi hai dòng sông lớn nhất châu Á là sông Hằng và Brahmaputra được mở ra, biến nơi đây thành một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn nhất thế giới.
Các nhà khoa học tin rằng số phận của những người dân đảo Ghorama gắn chặt với đầu nguồn sông Hằng, cách đó 2000km, nơi băng tuyết vùng Himalaya tan chảy nhanh hơn bao giờ hết và hòn đảo đang phải gánh chịu hậu quả.
Đảo Lohachara, cách đảo Ghorama 2 km về phía Đông đã bị sóng biển nhấn chìm 5 năm trước đây. Đó là hòn đảo có người sinh sống đầu tiên bị nhấn chìm bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, khiến 7000 người dân bị mất nhà.
Đảo Ghorama đã mất 1/3 diện tích trong vòng 5 năm qua. Ở phía bắc, đảo Sagar – hòn đảo lớn nhất của quần đảo Sundarbans – đã trở thành ngôi nhà cho 20.000 dân tị nạn bị mất nhà do sóng biển. Dân số đảo Sagar tăng làm xáo trộn hệ sinh thái nguyên thủy của hòn đảo này và gây sức ép nên nguồn tài nguyên vốn dĩ không nhiều ở đây.
Theo nhà địa chất học Sugata Hazra, giám đốc Trường nghiên cứu hải dương học thuộc Đại học Kolkata’s Jadavpur: “Người dân đảo Sundarbans và 4 triệu dân sống quanh vùng đất này của Ấn độ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sự ấm lên toàn cầu. Diện tích đất nơi đây đã bị thu hẹp tới 186 km2 trong vài thập kỷ gần đây. Toàn bộ khu vực đang cố gắng ngăn chặn một thảm họa đang đến và trở thành một lời cảnh báo cho những gì có thể xảy ra.”
Tị nạn vì môi trường là dạng tị nạn tồi tệ nhất vì người tị nạn không bao giờ có thể quay về cố hương. Đất của họ bị mất vĩnh viễn và chính phủ lại không có kế hoạch nào cho những con người tội nghiệp này.
Gánh chịu đầu tiên, biết nguyên do cuối cùng
Cuộc sống ở Sundarbans rất khó khăn, và người dân phải xoay sở mọi cách để duy trì cuộc sống. Ngôi làng nơi chị Gita Pandhar, 25 tuổi, sống chỉ có thể đến được bằng một con đường nhỏ dọc bờ đê bùn. Để có thể đi chợ, hàng ngày chị phải vượt qua 3km đường lún sâu trong bùn đất trơn.
Chị nhớ lại: “Khi tôi còn bé, nơi đây chỉ có các đồng cỏ và những đàn bò. Tôi đã từng lớn lên ở một nơi đẹp tuyệt vời, tách biệt hẳn khỏi đất liền. Nhưng giờ đây mảnh ruộng ông tôi ngày xưa từng cày cấy đã bị nhiễm mặn. Tất cả ruộng đất khác đều đã trở thành đầm lầy. Chúng tôi từng dùng phân bò khô để làm chất đốt nhưng hiện nay không còn nơi nào để cho bò ăn nữa và chúng tôi phải đốn đến thân gỗ cuối cùng trên hòn đảo này để nấu nướng.”
Lụt lội là hiện tượng bình thường ở Sundarbans. 92% lượng nước chảy qua vùng đất này là từ Ấn Độ, Tây Tạng, Butan và Nepal qua hàng trăm con sông, bao gồm 3 con sông lớn nhất thế giới, sông Hằng, Meghna và Brahmaputra. Hầu hết nước đều chảy về trong mùa mưa làm chìm ngập 1/3 diện tích nơi này.
Tuy nhiên theo Gita, những cơn bão nghiêm trọng gần đây đã biến nơi này thành một trong những vùng sinh sống bị đe dọa cao nhất: “Về đêm, sóng biển rất hung bạo. Chúng tôi không biết gì về hiện tượng nóng lên của Trái Đất. Chúng tôi không có báo và rất ít mối liên hệ với chính phủ nên chúng tôi là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả của hiện tượng nóng lên của trái đất và cũng là những người cuối cùng biết được nguyên nhân tại sao. Thiên nhiên đã từng ban tặng cho chúng tôi thức ăn và mùa màng, nhưng giờ thì chỉ là đau khổ. Đảo của chúng tôi đã từng nổi tiếng với những đặc sản ớt khô, rau và nông sản, nhưng bây giờ để nuôi sống bản thân, chúng tôi phải lội qua những chỗ nước biển cạn bao quanh cánh đồng để câu những con cá nhỏ, những con tôm bé trong những vũng nước đầy muỗi.”
Trước tình trạng mực nước biển ngày một dâng cao tại Sundarbans, chính phủ Ấn Độ bị chỉ trích rằng đã quan tâm nhiều tới việc bảo vệ lợi ích của họ hơn là những người bị đe dọa nhiều nhất bởi sự nóng lên của trái đất.
Vài năm trở lại đây, Ấn Độ đang thực hiện một dự án xây dựng hàng rào ngăn giữa quốc gia này với Bangladesh, một đất nước láng giềng nghèo hơn rất nhiều. Dự án này có thể dài tới 2050 dặm, qua hàng trăm con sông, rừng và đồng ruộng. Từ năm 2004 tới nay các đoạn hàng rào với tổng chiều dài 1550 dặm đã được xây dựng, rất nhiều trong số đó đi ngang qua vùng ven của Sundarbans.
Hiện nay, biên giới giữa hai nước không được xác định bằng địa hình mà bằng hai dãy hàng rào dây thép gai cao 10 feet với những cột trụ đóng đầy đinh nhọn. Ở New Delhi, người dân hầu hết đều tin rằng hàng rào được dựng lên để ngăn làn sóng tị nạn từ Bangladesh, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới. 150 triệu dân nước này và vùng đất thấp họ đang sinh sống dễ dàng bị lũ và bão phá hủy hơn bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Cuộc chiến bại trước thủy triều dâng
Khi màn đêm buông xuống, thủy triều lên thì sự thật về tác động của sóng biển lên hòn đảo mới hoàn toàn hiện ra, khi nước chảy xuyên qua con đê bùn quanh các ngôi làng. Chảy từ dưới đáy biển, các dòng sông ngầm chảy ngược lên cùng sóng biển, tạo ra một vùng biến dữ dội nhất châu Á. Nước dềnh lên cùng thủy triều ngập hầu hết các cây đước, khắp nơi chỉ thấy các rãnh nước mặn xâm lấn đất đai. Hằng đêm, hàng chục nghìn người dân đảo đi ngủ trong nỗi sợ biển sẽ nhấn chìm tất cả.
“Chúng tôi không có biện pháp an toàn nào nếu biển động. Con đê chúng tôi xây dựng đã sập rất nhiều lần vì thủy triều dâng. Phần lớn dân đảo ở đây đã mất đất, và một phần ba số dân đảo đã bỏ sang đảo Sagar”, Malata Bala Das, vợ của Dependra cho biết.
Ở khu kiều dân Rudranadar, một trại tị nạn vừa được xây dựng bởi những người dân phải tha hương từ Ghorama. Các gia đình cùng tụ tập bên nhau quanh những chiếc đèn dầu trong túp lều tranh. Mắt họ căng lên trong bóng tối, những đứa bé thì cố gắng làm bài tập bằng ánh sáng của que diêm.
Nhỏ bé và gầy gò vì vất vả, Angur Bala Dolui nhớ lại đêm năm trước khi cô bị mất nhà và đất của mình: “Mọi thứ đều thay đổi khi nước đổ ập vào nhà chúng tôi. Cháu trai tôi gần như bị chìm. Nước biển cuốn trôi tất cả, kể cả cây cối. Chúng tôi quyết định rời đến trại của chính phủ nhưng ở đây điều kiện cũng không tốt hơn. Chúng tôi được hứa là sẽ có giếng nước sạch, nhưng đất ở Sagar quá tồi. Bây giờ nước quá mặn và chúng tôi không thể sử dụng được. Chúng tôi ở quá gần khu đầm lầy toàn cây đước và chúng tôi lo sợ rằng nơi đây cũng sẽ trở thành đầm lầy như vậy. Có vẻ như chúng tôi không có cách nào để thoát khỏi biển”.
Động thực vật hoang dã mất môi trường sống
Sundarbans cũng đang thu hút sự quan tâm của các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã do sự biến mất của hổ Bengal. Mặc dù toàn bộ khu vực này là di sản văn hóa thế giới của UNESCO, thế kỷ qua đã có tới 6 loài động vật đặc hữu bị tuyệt chủng: hươu rống, tê giác Java, tê giác sừng đỏ, trâu rừng, hươu đầm lầy và cá sấu gharial. Các chuyên gia nhận định những nỗ lực trong việc bảo tồn các loài vật quý hiếm đều chưa thỏa đáng.
Là ngôi nhà của 500 con hổ cuối thập kỷ 1960, giờ Sundarbans chỉ còn lại 200 con. Do mực nước biển tăng cao, rừng đước – môi trường sinh sống tự nhiên của chúng đã bị nhiễm mặn. Cây cối đã mất màu xanh, chỉ còn trơ những cành khô, khiến loài hổ không còn nơi trú ẩn trước đám thợ săn. Hổ cái cũng không còn chỗ giấu con khỏi sự tấn công của những con hổ đực trưởng thành.
Hệ thực vật và động vật nơi đây cũng gặp nguy hiểm. Sundarbans được đặt tên theo loài cây Sundari, nhưng trớ trêu thay loài cây này bây giờ đang gặp nguy cơ nhiễm mặn do mực nước biển tăng cao.
Vùng rừng ngập mặn – Sundarbans – là một hệ sinh thái phức tạp bao gồm 1 trong 3 rừng đước rộng lớn nhất thế giới, được chia sẻ bởi 2 đất nước Bangladesh và Ấn Độ với 62% diện tích nằm về phía Tây Nam của Bangladesh. Khu vực này có hơn 4 triệu dân sinh sống.
Báo cáo năm 2007 của UNESCO có tên “Nghiên cứu về Thay đổi khí hậu và Di sản thế giới” đã cảnh báo rằng mực nước biển tăng 45cm (sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ 21 theo dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu) cùng với những vấn đề môi trường khác ở Sundarbans có thể dẫn tới việc 75% diện tích rừng ngập mặn sẽ phá hủy. Trường hợp hòn đảo Lohachara biến mất đã khiến 10 000 người trở thành dân tị nạn đầu tiên bởi sự ấm lên toàn cầu. 9 năm trước những hòn đảo hoang thuộc quốc gia của những dải san hô vòng Thái Bình Dương – Kiribati cũng bị chìm. Cư dân của các hòn đảo Thái Bình Dương ở Vanuatu cũng đang được cảnh báo tuy chúng vẫn còn ở trên mặt nước biển. |