ThienNhien.Net – Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), việc đánh giá tốt hơn nữa những mối nguy hiểm đang đe doạ các dải san hô ngầm đi đôi việc nâng cao quản lý sẽ giúp loài này có nhiều cơ hội sống sót hơn khi nước biển đang ấm dần lên.
Ông Gabriel Grimsditch, chuyên gia về san hô của IUCN nói: “Chúng ta ai cũng biết biến đổi khí hậu đang dần dần phá huỷ các dải san hô ngầm trong đại dương. Nước ấm ăn mòn, làm mất màu san hô và axit trong nước biển kìm hãm sự phát triển các nhánh cơ thể của loài sinh vật này. Chúng ta cũng biết rõ rằng nếu muốn cứu sống những sinh vật đẹp đẽ này phải có những hành động tức thì”.
Theo ông Gabriel, với tầm hiểu biết sâu sắc hơn và cách thức quản lý tốt hơn các nguy cơ gây nguy hiểm cho san hô như thói quen đánh bắt cá không bền vững hay việc phát triển bờ biển thiếu đồng bộ, chúng ta có thể nâng cao khả năng sinh tồn của san hô trong điều kiện nước biển ẩm lên do tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo mang tên “Đánh giá khả năng thích ứng của rạn san hô – dự thảo đánh giá sơ lược, tập trung vào sự mất màu của san hô và các ảnh hưởng của nhiệt độ cao” của IUCN đã chỉ ra mức tổn hại san hô phải gánh chịu không chỉ tuỳ thuộc vào tốc độ và quy mô biến đổi khí hậu mà còn phụ thuộc vào khả năng chống chọi của san hô trước những thay đổi ấy. Báo cáo liệt kê sơ lược các chỉ số thích nghi cơ bản có thể lượng hóa sử dụng làm phương pháp đánh giá nhanh.
Ông David Obura, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu và phát triển bờ biển miền Đông Châu Phi cũng cho biết: “Nếu không được quản lý chặt chẽ, các nguy cơ kể trên có thể sẽ cộng hưởng với biến đổi khí hậu và gây phá huỷ trên diện rộng nhiều dải san hô. Trong khi khoa học đang có những bước nghiên cứu sâu hơn về tác động của biến đổi khí hậu gây ra cho các dải san hô thì các chiến lược quản lý chúng mới đang ở thời kì thai nghén.”
Yêu cầu về việc đưa ra kết quả đánh giá nhanh tính thích nghi của san hô ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là tại các nước đang phát triển. Phát triển các bản dự thảo đầu tiên về đánh giá và kiểm soát nhằm nâng cao tầm hiểu biết về các chỉ số thích nghi và chống bạc màu để áp dụng trong quản lý là việc làm tối cần thiết. Từ đó, có thế xác định được hiệu quả của công tác quản lý các khu bảo tồn biển đối với mức độ thích nghi và sức chịu đựng của loài sinh vật này.
Carl Gustaf Lundin, người đứng đầu Chương trình Bảo vệ Biển Toàn cầu của IUCN phát biểu: “Câu chuyện về các dải san hô bên dưới các đại dương là minh chứng hùng hồn và thuyết phục về một trong những hệ sinh thái đầu tiên cho thấy ảnh hưởng rõ ràng nhất từ biến đổi khí hậu. Một câu chuyện dễ hiểu, có minh hoạ rõ ràng, và hết sức thuyết phục. Từ đó, câu chuyện nâng cao hiểu biết của chúng ta về ngành khoa học, cách quản lý, và chính sách dựa trên tính thích nghi của san hô sẽ mang lại những giá trị lớn lao hơn cho hệ sinh thái và con người trên toàn thế giới”.