ThienNhien.Net – Hội nghị Liên Hợp Quốc về khí hậu tại Copenhagen tháng 12 năm nay có thể không đạt được sự đồng thuận hoàn toàn cho một Hiệp ước với các điều khoản chi tiết. Song bản Hiệp ước mới được kỳ vọng sẽ khép lại bằng các thoả thuận đạt được trong 4 vấn đề cấp thiết nhất về mặt chính trị.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Yvo de Boer, thư ký điều hành Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã bày tỏ hy vọng rằng vòng đám phán quốc tế Copenhagen sắp tới sẽ đạt được bốn vấn đề cấp thiết:
1. Bao nhiêu nước công nghiệp sẵn sàng giảm lượng phát thải khí nhà kính?
2. Bao nhiêu quốc gia đang phát triển mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ sẵn sàng hành động để hạn chế tốc độ gia tăng lượng khí phát thải?
3. Các nước đang phát triển cam kết giảm lượng phát thải sẽ được trợ giúp ra sao và công tác thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu sẽ được tài trợ thế nào?
4. Vấn đề tài chính sẽ được quản lý ra sao?
Theo ông Yvo de Boer, thông qua và ký kết bản Hiệp ước mới là điều rất cần thiết trong hội nghị tới, song rất khó để đạt được sự đồng thuận ở từng điều khoản nhỏ và ở toàn bộ bản Hiệp ước.
Hiệp ước mới về khí hậu sẽ thay thế cho Nghị định thư Kyoto đã được thông qua tại Kyoto, Nhật Bản tháng mười hai 1997 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16 tháng hai năm 2005.
Nghị định thư Kyoto với các mục tiêu bắt buộc để giảm phát thải khí nhà kính đã được ký kết và phê duyệt bởi 184 nước tham gia Hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu. Một ngoại lệ đáng chú ý là Hoa Kỳ, quốc gia từ chối thông qua nghị định thư Kyoto.
Trước thềm Hội nghị Copenhagen, ông Yvo de Boer bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến sự trở lại của Hoa Kỳ vào tiến trình đàm phán khí hậu của thế giới và vì những xu hướng ủng hộ trong nội bộ Hoa Kỳ.
Yvo de Boer cho rằng Hoa Kỳ đã từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto vì hai lý do. Thứ nhất, bởi vì nó không ràng buộc trách nhiệm cắt giảm khí thải của các nước đang phát triển lớn. Thứ hai, chính quyền Bush cho rằng Nghị định thư Kyoto sẽ có hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Copenhagen sẽ là một kịch bản hoàn toàn khác nhau, và Boer tin rằng tổng thống Barack Obama sẽ thành công trong việc thúc đẩy và thuyết phục Trung Quốc, Ấn Độ ký kết hiệp ước sắp tới. Chuyến thăm của ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton tới Bắc Kinh thật sự là cơ sở để ông tin tưởng như vậy.
Về sự suy thoái toàn cầu, ông Boer cũng bày tỏ mối lo ngại khi cho rằng chắc chắn nó sẽ tác động tới vòng đàm phán tại Copenhagen. Khủng hoảng khiến cho việc đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo có xu hướng giảm chủ yếu do giá dầu giảm và các hoạt động kinh tế bị trì trệ.
Dù sự phát thải khí nhà kính được kỳ vọng sẽ giảm do sự chùng xuống của các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhưng Boer không cho rằng nó sẽ giảm bớt áp lực lên các quốc gia tham gia đàm phán và ký một hiệp ước mới.