ThienNhien.Net – Anh sinh ra và lớn lên ở thành phố Chester lịch sử, miền Tây Bắc nước Anh, nhưng lại gắn bó với Việt Nam, tính đến nay cũng đã 17 năm có lẻ. Giữa thành phố Hồ Chí Minh đông đúc, anh cũng như bao người nước ngoài khác, chẳng mấy ai để ý hay biết đến. Nhưng dân ham mê chim và giới bảo tồn trong và ngoài nước thì không còn xa lạ với cái tên Richard Craik và Vietnam Birding.
Richard đến Việt Nam năm 1992 và gia nhập ngành du lịch kể từ đó. Anh từng làm việc tại một số công ty lữ hành lớn và giữ cương vị giám đốc marketing phụ trách khu vực Đông Dương, Mi-an-ma và Thái Lan của Tập đoàn Exotissimo, một trong những đơn vị hàng đầu về lữ hành trong khu vực.
Năm 2007 đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp của Richard, khi anh bỗng dưng từ bỏ toàn bộ “sự yên ổn”, mở ra Vietnam Birding, công ty du lịch xem chim đầu tiên ở Việt Nam. VietnamBirding chuyên tổ chức các tua du lịch xem chim hoặc xem chim kết hợp du lịch văn hóa cho du khách nước ngoài. Địa bàn hoạt động của công ty, như phản ánh trong tên gọi, chủ yếu ở Việt Nam, song cũng mở rộng sang cả Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan. ThienNhien.Net đã có một cuộc trò chuyện với Richard gần đây.
Richard và Tom Guillick (trái) – nhà xem chim hàng đầu thế giới. Ông là người đã quan sát được nhiều chim hơn bất kỳ ai, khoảng gần 9.000 loài. Tom cũng là một trong những vị khách đầu tiên của VietnamBirding. (Ảnh: Richard Craik) |
– Anh có hài lòng với việc kinh doanh hiện tại của mình không?
Richard: Có chứ, tôi rất vui với những gì Vietnam Birding đã đạt được, đặc biệt trong hoàn cảnh chúng tôi gần như chưa xúc tiến hoạt động quảng cáo nào. Sắp tới, tôi dự kiến sẽ mở rộng hoạt động du lịch xem chim sang cả Cam-pu-chia, Thái Lan và Myanmar, đồng thời mở thêm các tuyến du lịch xem chim kết hợp du lịch văn hóa.
– Hẳn cái tên “Du lịch xem chim” (
Richard: (Cười) Câu hỏi thú vị đấy. Đúng là tôi hoàn toàn có thể chọn những cái tên như bạn nói và nếu như vậy thì phạm vi hoạt động của chúng tôi càng mở rộng. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng nếu so sánh với các nước châu Á khác, chẳng hạn như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ hay Sri Lanka thì Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh hay sức hấp dẫn lớn về hoạt động quan sát thú và các loài động thực vật hoang dã.
Tuy nhiên, Việt Nam lại có sự thu hút về chim, bởi có tới 12 loài chim đặc hữu, không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Bên cạnh đó là nhiều loài mang tính đặc hữu vùng và nhiều phân loài rất độc đáo. Những tiền đề đó cũng đủ để Việt Nam trở thành đích đến cho các du khách đam mê.
Richard cho biết đặc điểm các tua du lịch của Vietnam Birding là linh hoạt theo nhu cầu của khách. Khách hàng của công ty thường là những cặp vợ chồng hoặc những nhóm người cao tuổi đã nghỉ hưu cùng chung ham mê chim, đa phần đến từ Anh, Mỹ – nơi xem chim đã trở thành thú chơi phổ biến. Ngoài ra, công ty cũng đón khách từ Scandinavi, Úc, Canada và Singapore và một số nước khác. |
– Dường như cuộc khủng hoảng kinh tế không mấy ảnh hưởng đến
Richard: Vâng, đó là điều may mắn với chúng tôi. Du lịch xem chim hiện nay còn là một mảng trống rất lớn và khách hàng của loại hình du lịch này có tính đặc thù. Họ thường có những tiêu chí riêng khi lựa chọn điểm du lịch, chẳng hạn như xem những loài chim đặc trưng của vùng hoặc điểm du lịch đó. Chính vì vậy, loại hình du lịch này ít bị chi phối bởi giá cả và những biến động thị trường.
– Chấm dứt 15 năm làm việc cho các công ty du lịch có tiếng trong khu vực để rồi lặng lẽ mở một công ty mới hoàn toàn cho riêng mình. Dường như sự thay đổi này đã được anh cân nhắc kỹ?
Richard: Quả như vậy, không dễ chút nào để quyết định từ bỏ một công việc quản lý ổn định tại một trong những công ty lữ hành hàng đầu của khu vực. Tôi đã nghĩ rất nhiều, song nhận thấy đã đến lúc cần thay đổi, không thể trì hoãn lâu hơn. Thỉnh thoảng trong cuộc sống ta cũng nên mạo hiểm, thử những điều mới mẻ, việc đó cũng giống như 17 năm về trước, khi tôi quyết định rời nước Anh đến Việt Nam.
– Anh có thấy rằng tình yêu dành cho thiên nhiên ngày càng tích lũy sau mỗi chuyến đi không? Nếu điều đó là thực, nó đã diễn ra như thế nào?
Richard: Khó có thể khẳng định điều này một cách chính xác, bởi tình yêu thiên nhiên của tôi không bao giờ giảm bớt. Tôi chỉ cảm thấy rằng mình rất hào hứng trước từng chuyến đi, được hoán đổi công việc bàn giấy với rừng rú và ống nhòm. Tuy nhiên, có một điều mà tôi luôn cảm nhận trong mỗi chuyến là hầu như chẳng mấy khu rừng nào của Việt Nam mà tôi đã từng đặt chân trong suốt 15 năm qua có những đổi thay tích cực. Hầu hết đều bị suy giảm do nạn phá rừng, bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp, khai thác mỏ, thu hái lâm sản hoặc săn bẫy chim, thú.
Richard tại một điểm ngắm chim ở Đà Lạt (Ảnh: Richard Craik) |
– Đã bao giờ anh phát hiện ra một loài chim mới hoặc một tập tính của chim mà các nhà khoa học chưa từng ghi nhận?
Richard: Phát hiện một loài mới hoàn toàn cho khoa học là ước mơ của bất kỳ người đam mê chim nào. Mặc dù cơ hội này vô cùng mỏng manh, nhưng thật đáng ngạc nhiên chỉ trong vòng 3 năm, từ 1996 đến 1999, các nhà điểu học và Jonathan Eames, đại diện của Tổ chức bảo tồn chim Thế giới khu vực Đông Dương đã phát hiện ra ba loài mới. Đây thực sự là một thành tích đáng nể. Liệu ai có thể biết được người ta sẽ còn phát hiện ra những loài chim nào khác trong thế kỷ 21 này chứ!
Còn với tôi, “thành tích” mới đây nhất là tìm ra một loài chim chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam trên đỉnh Phan-Xi-păng hồi đầu năm nay. Thực ra, loài chim này cũng có người đã nhìn thấy ở vùng Bắc Lào và Nam Trung Hoa gần với Việt Nam nên việc phát hiện ra nó ở Phan-Xi-Păng âu cũng dễ hiểu, không có gì đáng ngạc nhiên.
Ngoài ra, thỉnh thoảng đây đó tôi cũng có phát hiện ra một số loài tại nơi mà chúng chưa từng được biết đến. Dĩ nhiên tôi vẫn nuôi niềm hy vọng lơn lao, một ngày nào đó sẽ phát hiện ra một loài chim mới hoàn toàn.
– Anh tự nhận thấy mình giống một nhà bảo tồn hay một nhà kinh doanh hơn?
Richard: Tôi nghĩ rằng cả hai. Thông qua việc mở ra các tour du lịch xem chim, tôi hy vọng có thể góp phần bảo vệ vùng tự nhiên mà chúng tôi đặt chân đến, vừa bảo vệ chim vừa mang lại lợi ích cho người dân sinh sống ở đó. Liệu có điều gì thú vị hơn là anh có thể kinh doanh ngay trong lĩnh vực mà anh yêu thích nhất!
|
– Trở lại 17 năm trước đây, vào cái năm 1992. Điều gì đã xui khiến anh chọn Việt
Richard: Lúc bấy giờ nền kinh tế Anh chìm trong suy thoái suốt một năm trời. Tôi đã quyết định bán nhà hàng của mình để ngao du đây đó tìm cơ hội kinh doanh mới. Tôi đến Tp. HCM đầu năm 1992 và bị dính ngay một cú “tình yêu sét đánh” với cái thành phố bấy giờ còn chưa phát triển, rặt những tòa nhà quét vôi ve màu hoàng thổ, những dãy phố cây xanh nối hàng và những khuôn mặt rạng ngời nụ cười đầy thân thiện.
Ngược với cảm giác bi quan về châu Âu bấy giờ, tôi tìm thấy sự lạc quan ở Việt nam, một đất nước đầy triển vọng để đầu tư và mở hoạt động du lịch cho người nước ngoài. Vào những tháng đầu tiên ấy, tôi đã gặp Lan, bà xã của tôi hiện nay. Lan có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định ở lại Việt Nam của tôi sau này.
– Phải chăng anh có một vài điều muốn chia sẻ với các công ty tổ chức du lịch sinh thái (DLST) ở Việt nam hiện nay. Theo anh chúng ta cần làm gì để đẩy mạnh DLST?
Richard: Điều đầu tiên mà chúng ta có thể cải thiện là hiểu một cách đúng đắn DLST là gì. Đa phần các công ty lữ hành quảng cáo việc tổ chức du lịch sinh thái hoặc bán sản phẩm sinh thái hiện nay ở Việt Nam, và cả ở nhiều quốc gia khác, đều không hiểu thực chất DLST.
Theo như Hiệp hội DLST thì đây là loại hình du lịch trách nhiệm, đến những vùng tự nhiên hoang dã nơi bảo tồn thiên nhiên và góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. Cho đến hiện tại, hầu như rất ít sản phẩm DLST ở Việt Nam đạt được những yêu cầu này.
– Xin chân thành cảm ơn anh!
“Richard thân mến, một lần nữa, xin cảm ơn anh về tất cả sự trợ giúp và nhiệt tình. Những điều đó đã khiến chuyến thăm Việt Nam của tôi trở nên vô cùng thú vị, không hề pha chút thất vọng nào. Nó sẽ luôn trong ký ức của tôi. Và chắc chắn một điều rằng, nếu biết ai đó muốn khám phá Việt Nam và cần sự trợ giúp, tôi sẽ gửi họ đến với anh.” |