ThienNhien.Net – Năm 2009, thành phố Hà Nội đã triển khai nghiên cứu 203 đề tài, công trình khoa học, trong đó phần lớn là các nghiên cứu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các đề tài tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, xây dựng mô hình quản lý mới góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Nhiều giải pháp, mô hình thực nghiệm nông nghiệp ngoại thành được đề xuất đưa vào áp dụng thực tiễn, trong đó có 22 mô hình đồng bộ từ giải pháp kỹ thuật với các biện pháp chính sách kinh tế khác cho hiệu quả kinh tế – xã hội cao, giúp các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp phát huy tiềm năng về giống, đất đai và những lợi thế của các tiểu vùng sinh thái.
Trên thực tế, các tiến bộ khoa học kỹ thuật này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn, giúp quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên đất, nước. Điển hình là một số đề tài: Tuyển chọn các giống lạc mới thích hợp với vùng đồi gò; Hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh giống đậu tương ĐVN 5, ĐVN 6 cho năng suất trung bình đạt 24-26 tạ/ha; Xây dựng quy trình sản xuất hạt giống lúa lai F1 tổ chợp HYT83, 100 đạt năng suất 2- 2,5 tấn/ha…
Ngoài ra, các nhà khoa học còn đưa ra 32 giải pháp kỹ thuật, cải tiến dây chuyền công nghệ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ thực vật… đem lại hiệu quả ứng dụng cao, như: nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và phòng chống những loại bệnh dịch đang có xu hướng phát triển mạnh; Xây dựng quy trình điều khiển cho hoa nở đồng loạt đối với một số loài hoa có giá trị cao như Lan Hồ Điệp, Lan Vũ Nữ…; Xây dựng mô hình hệ thống GIS quản lý thông tin về dịch cúm gia cầm trên địa bàn; Thiết kế 5 mô hình kênh xi măng lưới thép điển hình theo quy mô khu vực phù hợp với vùng đồi gò…
Ngành khoa học – công nghệ Hà Nội có kế hoạch trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện các chương trình nông nghiệp giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của thành phố như: sản xuất rau và thực phẩm an toàn, vệ sinh; đề xuất quy trình, hệ thống xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm từ các làng nghề; xây dựng đề án chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa cho các cây con, sản phẩm đặc sản làng nghề truyền thống…