Thuốc bảo vệ thực vật và những khuyết tật bẩm sinh

ThienNhien.Net – Vụ mùa bắt đầu cũng là lúc các loại hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng. Và không có gì lạ khi các nhà khoa học nói rằng có một vài tháng lượng hóa chất được tiêu thụ cao hơn các tháng khác trong năm. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa thời gian mang thai ở người, hàm lượng các chất bảo vệ thực vật và khả năng mắc các khuyết tật bẩm sinh ở trẻ.
 


Nghiên cứu do bác sĩ chuyên về sơ sinh, Paul Winchester, thực hiện. Ý tưởng nghiên cứu bắt đầu hình thành khi ông chứng kiến những khiếm khuyết sơ sinh với tỷ lệ rất cao trong thời gian làm việc tại bệnh viện Francis, bang Indiana của Mỹ – vùng chuyên trồng trọt. Dưới đây là bài phỏng vấn của  phóng viên Curwood với nhà nghiên cứu Paul Winchester .
 

CURWOOD: Thưa Tiến sĩ  Winchester, chính xác thì ông đã phát hiện ra được điều gì?


WINCHESTER: Chúng tôi thấy rằng, những khiếm khuyết ở trẻ sơ sinh như nứt đốt sống, sứt môi, hở hàm ếch, hội chứng Down, những bất thường về niệu–sinh dục, dị tật bẩm sinh ở chân là một vài trong số những khiếm khuyết có thể thấy ở những phụ nữ mang thai trong giai đoạn giữa tháng tư đến tháng bảy. Khoảng thời gian đó khá trùng khớp với thời gian mà hàm lượng chất bảo vệ thực vật đo được trong nước bề mặt ở Mỹ cao nhất trong năm.


CURWOOD: Là một bác sĩ chuyên về sơ sinh, chắc hẳn ông từng gặp những đứa trẻ khiếm khuyết về niệu sinh dục khá nghiêm trọng?


WINCHESTER
: Vâng, những bệnh về niệu sinh dục phổ biến nhất là những khiếm khuyết ở cơ quan sinh dục nam, điển hình như hiện tượng dị tật lỗ đái lệch thấp và bệnh tinh hoàn lạc chỗ. Hiện nay người ta đã biết rằng cả hai bệnh trên đều liên quan đến việc tiếp xúc với các chất hoá học từ khi còn ở trong dạ con, không chỉ các chất bảo vệ thực vật mà còn một số hoá chất khác. Hầu hết những chất hoá học này có thể tác động theo cách tương tự như đối với hoocmôn estrogen, bằng cách ngăn cản tác dụng của hoocmôn testoterone hoặc làm tăng cường quá trình truyền tín hiệu của estrogen. Và tất nhiên điều đó nguy hại đến sự phát triển bình thường của tinh hoàn ở nam giới.


CURWOOD: Và ông đã gặp bao nhiêu trường hợp như vậy?


WINCHESTER
: Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp. Song đáng nhớ nhất có lẽ là những vấn đề đã xảy ra đối với chúng tôi tháng trước, tháng ra đời của những đứa trẻ được mang thai vào tháng sáu. Trong một bệnh viện cộng đồng nhỏ, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều khuyết tật sơ sinh, từ các bất thường về nhiễm sắc thể, tật nứt đốt sống đến sứt môi và hở hàm ếch.


CURWOOD: Dường như ông đang muốn hướng mọi người nhìn nhận vào những ảnh hưởng lớn hơn của việc bội nhiễm chất bảo vệ thực vật. Liệu ông có thể giải thích rõ hơn?
 
WINCHESTER: Một trong số những nhà nghiên cứu quan trọng nhất trong lĩnh vực này là Michael Skinner, người đã chỉ cho chúng ta thấy khả năng các chất bảo vệ thực vật có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Trong thí nghiệm của mình, Skinner đã cho một con chuột đang mang thai tiếp xúc với một chất bảo vệ thực vật chỉ trong thời gian ngắn, ở giai đoạn đầu tiên của thai kì. Lưu ý rằng không có một đứa trẻ nào ở Mỹ chỉ tiếp xúc với một chất bảo vệ thực vật. Trung bình một đứa trẻ tiếp xúc với 300 chất hoá học khi còn trong bào thai.
 
Theo thí nghiệm của Skinner, với chỉ một chất diệt côn trùng, tất cả các con chuột con khi sinh ra không có bất kì khuyết tật bẩm sinh nào. Chúng trông hoàn toàn bình thường. Đây là điều thực sự quan trọng để suy nghĩ, bởi vì nếu thí nghiệm dừng lại ở đó, người ta có thể đã công bố về một sự tiếp xúc an toàn, không gây ra bất kì nguy hại nào. Nhưng rất may là đầu óc ưa khám phá của Skinner đã khiến ông duy trì thí nghiệm đủ lâu để theo dõi sự trưởng thành của những con chuột này. Nhờ đó ông phát hiện ra rằng 90% chuột đực đã phải chịu nhiều khiếm khuyết mà chúng ta gọi là những khiếm khuyết, bệnh tật ở tuổi trưởng thành, như lượng tinh trùng thấp, mất khả năng sinh sản, những khiếm khuyết về hệ miễn dịch, các vấn đề về tuyến tiền liệt, thận, các bệnh ung thư, hàm lượng cholesterol cao và tuổi thọ suy giảm.
 
Song đó còn chưa phải điều tồi tệ nhất mà thí nghiệm cho thấy. Thí nghiệm còn chỉ ra rằng những ảnh hưởng này có thể được di truyền tới tất cả các thế hệ kế tiếp ngay cả khi không tiếp xúc với các chất bảo vệ thực vật nữa. Vậy nếu một chất diệt côn trùng có thể làm điều này thì không thể tưởng tượng ra điều gì sẽ xảy ra với xã hội chúng ta.


CURWOOD: Ông nói gì với các bệnh nhân của mình, những người đang nghĩ về việc có con? Ông có thể nói gì về việc mang thai khi bắt đầu mùa vụ, thời gian từ tháng tư đến tháng bảy, thời gian có nguy cơ khuyết tật sơ sinh cao?


WINCHESTER: Vâng, dựa trên các bằng chứng hiện tại, chúng tôi chưa thể chứng minh một cách chắc chắn rằng sẽ an toàn hơn cho bạn nếu tránh mang thai trong khoảng thời gian đó, nhưng dựa trên những hiểu biết hiện thời, nếu như có thể lựa chọn, tại sao bạn không cố gắng mang thai vào thời gian khác. Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng thời điểm liên quan ít nhất đến những khuyết tật sơ sinh cũng là thời điểm phụ nữ có thai thành công cao nhất và là tháng 12 ở Mỹ.
 
CURWOOD: Xin cảm ơn ông rất nhiều!