ThienNhien.net – Hiện nay, lao động nông thôn chiếm 75% lao động cả nước nhưng phần lớn lại làm việc bằng kinh nghiệm chứ chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản thấp. Vì vậy, việc đào tạo nghề cho nông dân là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải đào tạo như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất?
Nông dân giỏi chỉ chiếm… 10%
Theo GS.TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, hiện số nông dân đạt trình độ giỏi ở nước ta chỉ chiếm khoảng 10%, trung bình 20%, còn lại là yếu kém. Trong khi đó, kỹ thuật canh tác lại rất tùy tiện. Điều lo nhất là nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ chiếm 24%, khu vực nông thôn nơi trực tiếp sản xuất lại chỉ có 13%. Theo điều tra mới nhất của Trường Cao đẳng Nông-Lâm Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng tuy là vựa lúa của miền Bắc nhưng chỉ có gần 20% nông dân biết canh tác lúa đúng kỹ thuật, hơn 80% còn lại làm theo kinh nghiệm “cha truyền con nối” nên rất tốn công sức, phân bón, giống mà năng suất không cao.
Ngay tại Bắc Ninh, một trong những tỉnh có truyền thống canh tác lúa nhưng vẫn có tới 17% số nông dân không biết trồng lúa bởi “trồng lúa theo yêu cầu mới đâu phải dễ. Do đó, để nâng cao thu nhập cho nông dân, một trong những giải pháp hàng đầu là làm tốt việc đào tạo nghề cho bà con. Tuy nhiên, vẫn chưa có tổ chức nào tham gia dạy nghề ở nông thôn một cách bài bản và có hệ thống”, ông Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết.
Nông dân vẫn “theo đuôi thị trường”
Vì không có kiến thức, không được đào tạo bài bản nên hầu hết nông dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm, việc vận dụng các kiến thức kỹ thuật cũng trở nên khó khăn. Và bài học nhãn tiền về sự manh mún, tư tưởng bảo thủ liên tục diễn ra nhưng không phải ai cũng thấy. Đó là tình trạng nông dân đổ xô mua đất nuôi cá tra, ba sa vì giá bán lúc đó rất cao; họ không hiểu, nếu cứ làm ồ ạt sẽ xảy ra tình trạng dội chợ, rớt giá. Tiếp đến là điệp khúc “bỏ lúa, trồng mía” hoặc “bỏ mía, nuôi tôm”… đã trở thành “chuyện thường ngày” ở nhiều vùng sản xuất. Thế nhưng nhiều nông dân vẫn “theo đuôi thị trường”. Thấy cây, con gì có giá là họ đổ xô tìm giống nuôi trồng.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều nhưng cái cốt lõi nhất là do không có trình độ, thiếu hiểu biết nên nông dân chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không biết đến hậu quả về sau. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nông dân được đào tạo, họ sẽ biết nên sản xuất lúc nào và khi nào phải dừng và sản xuất bao nhiêu thì đủ cho thị trường. Họ cũng sẽ ý thức được mối liên kết sản xuất, gắn với các tổ chức nghề nghiệp… trong khi nhu cầu liên kết sản xuất, kinh doanh của nông dân là có thật và ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, nhu cầu thông tin về giá cả, thị trường, hỗ trợ bán hàng, công nghệ bảo quản, đóng gói bao bì…. của nông dân đang ngày càng tăng nhưng chưa được quan tâm, đáp ứng đầy đủ.
Trường học, giáo viên cho nông dân đều thiếu
Ông Vũ Văn Luân ở xã Minh Lãng (Thái Bình) cho biết: “Nông dân biết rất ít về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tài liệu, sách báo có hướng dẫn nhưng nông dân học vấn thấp, kiến thức không nhiều nên tiếp thu chậm. Mỗi năm lại xuất hiện một loại sâu, dịch bệnh khác nhau… Không lẽ suốt ngày đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) hỏi. Vì thế, chúng tôi rất cần được đào tạo, được cung cấp thông tin kiến thức”.
Trước yêu cầu của hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, công tác đào tạo nghề cho nông dân đang trở thành nhu cầu bức thiết. Điều đáng nói là nông dân rất muốn học nghề nhưng hệ thống các trường đào tạo lại chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ như tin học, cơ khí, may mặc…, ít nơi đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết tháng 08/2008, cả nước có 28 trường đại học, cao đẳng có khối nông-lâm-ngư nghiệp, 55 trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành nghề liên quan đến chế biến nông, lâm, thủy sản. Khối đào tạo nghề có gần 1.800 cơ sở, trong đó 60 cơ sở có đào tạo nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Theo đó, mỗi năm các cơ sở này phải đảm nhận việc đào tạo nghề cho khoảng 1,1 triệu lao động nông thôn.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của các cơ sở này còn nhiều điều đáng bàn, chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất. Hiện các tỉnh đều có trung tâm dạy nghề, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư nhưng phương thức hoạt động chưa hiệu quả, đa phần là hướng dẫn nông dân theo kiểu hình thức, lấy thành tích.
Nhận xét về vấn đề này, ông Nguyễn Lân Hùng, Giám đốc Trung tâm sinh học thực nghiệm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, lâu nay việc đào tạo nghề chúng ta có làm nhưng chưa đến nơi đến chốn, không cơ quan quản lý nào kiểm định chất lượng đào tạo. Người nông dân cần nhất một “cần câu” cơm, một nghề cụ thể để kiếm ra tiền, nhưng thực tế từ trước đến nay, phần lớn bà con cũng chỉ biết làm những nghề cổ điển như trồng lúa, ngô, khoai, nuôi lợn, cá… Trong khi những nghề cho thu nhập cao như trồng cây ăn quả, làm nấm, nuôi ba ba… thì lại mù tịt thông tin và không nắm vững kỹ thuật.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc đào tạo cho nông dân phải căn cứ vào đặc thù của sản xuất nông nghiệp (theo mùa vụ, vùng, miền), đối tượng, trình độ học vấn… để có những hình thức đào tạo phù hợp. Hiện có quá nhiều tổ chức, đơn vị tham gia vào việc dạy nghề nhưng lại thiếu sự điều phối, quy hoạch về nguồn lực đào tạo dẫn đến chồng chéo, lãng phí và dàn trải.
Đề án đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân
Chính phủ đã thông qua Đề án đào tạo 1 triệu nông dân “chất lượng cao” do Bộ NNPTNT chủ trì. Theo đó, nếu bà con gắn bó lâu dài với nghề nông sẽ được Nhà nước cấp học bổng để học nghề, độ tuổi đi học không giới hạn. Học bổng này trả cho bà con bằng thẻ, trung bình khoảng 500.000 đồng/người/thẻ. Đối tượng đào tạo nhắm vào khu vực sản xuất hàng hoá lớn, các nghề “nóng” đang được bà con ưa thích và phù hợp với nhu cầu thị trường…
Bộ NNPTNT và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã hoàn tất đề án tổng thể đào tạo nguồn nhân lực nông thôn với 3 đề án thành phần là: Đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện đại; Dạy nghề cho nông dân và con em nông dân để chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo; Nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở ở nông thôn. Một trong những công việc quan trọng cần làm là rà soát lại danh sách các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, xác định các ngành nghề cần đào tạo, đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu về mức kinh phí, quy mô cho các cơ sở tham gia đào tạo.
Đại diện Bộ NNPTNT cho biết, trong danh mục nghề ngắn hạn có các ngành nghề đào tạo gồm: kỹ thuật nông lâm nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, thú y bảo vệ thực vật, chế biến nông lâm thuỷ sản, cơ điện nông thôn, nghiệp vụ quản lý nông nghiệp với khoảng 126 nghề; thời gian đào tạo tùy theo ngành nghề, dao động từ 4-16 tuần.
Cụ thể hơn, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng các chương trình dạy nghề ngắn hạn trong giai đoạn 2009-2011 với tổng kinh phí khoảng 7,5 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu đào tạo nghề của từng tỉnh, thành phố, Bộ thống nhất với Bộ Tài chính về hình thức, cách thức phát hành và thanh toán “thẻ học nghề nông nghiệp” với tổng kinh phí hàng năm ước khoảng 150 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Đào Xuân Học, một trong những người đề xuất ý tưởng này cho biết, đây là cách làm mới với mục đích cấp kinh phí đào tạo trực tiếp cho cơ sở đào tạo thông qua người học. Nếu người học có nhu cầu học các nghề nông nghiệp theo lựa chọn thì sẽ được cấp “thẻ học nghề nông nghiệp” có giá trị tuỳ theo ngành nghề và thời gian đào tạo; họ nộp thẻ tại các cơ sở có đào tạo các nghề nông nghiệp để được đào tạo theo yêu cầu. Sau đó các cơ sở đào tạo thanh quyết toán kinh phí đào tạo với Kho bạc Nhà nước căn cứ vào số lượng “thẻ học nghề nông nghiệp”. Hình thức phát hành thẻ học nghề là “quy trình khép kín”, giảm thiểu những tiêu cực phát sinh và thuận lợi tối đa cho người lao động nông thôn được tiếp cận học nghề nhanh chóng, thuận lợi theo nhu cầu.
Ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư quốc gia đề xuất: Thay vì cấp vốn đào tạo cho cơ sở dạy nghề thì nên phát phiếu hay tích kê có mệnh giá tiền cho nông dân để họ tự chọn cơ sở dạy nghề. Ví như người nông dân muốn thâm canh các giống lúa mới, ở phía Nam, có thể tìm đến Đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSC; ở phía Bắc có thể đến trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội hay mời thầy dạy là các chuyên gia giỏi của các Trung tâm Khuyến nông, các chuyên gia của công ty giống cây trồng. Người học nghề cũng có thể đến trang trại của các nông dân làm kinh tế giỏi để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, làm nấm, trồng hoa, chế biến nông sản.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, nông dân đi học cần phải nắm vững phương châm “3 biết”: biết về nhu cầu thị trường lao động, biết cơ chế chính sách đối với quyền lợi và trách nhiệm của người đi học, biết cơ hội việc làm của mình tại địa phương.
Đào tạo nghề cho nông dân đang trở thành vấn đề cấp thiết và cần được ưu tiên số một. Từ những cách làm hay về việc đào tạo nghề cho nông dân ở một số địa phương, có thể thấy rằng, muốn đào tạo nghề nông hiệu quả, cần nắm bắt được đúng nhu cầu của người học.