ThienNhien.Net – Tình hình phấn bố dân cư trên địa bàn tỉnh Cà Mau không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các đô thị, ven sông rạch và các cửa sông. Đặc biệt, làn sóng dân di cư tự do trong lâm phần rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia), rừng phòng hộ rất xung yếu ven biển rất phức tạp, còn nhiều hộ dân đang sống trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất cần phải được bố trí vào nơi an toàn. Việc giải quyết vấn đề nơi ăn, chốn ở, ổn định cuộc sống cho các hộ dân này là một vấn đề nan giải vì hiện tại, Cà Mau vẫn còn là một tỉnh nghèo.
Những năm qua, dưới sự cố gắng rất lớn của Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực rất lớn để giải quyết vấn đề trên. Tỉnh đã bố trí cho gần 2.000 hộ dân sống ở ven rừng, ven biển vào các khu tái định cư, nhằm bào vệ an toàn cho người dân và để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tình hình triển khai các dự án tái định cư ở Cà Mau còn chậm và chưa đồng bộ. Mặc dù được đầu tư về hạ tầng cơ sở thiết yếu trong các khu tái định cư như điện, đường, trường…nhưng việc tổ chức giải quyết công ăn việc làm cho người dân tái định cư đã qua chưa thật sự thu hút người dân. Vì thế, cuộc sống tạm bợ, tình trạng sống dựa vào rừng và biển bất chấp hiểm nguy, nhất là vào mùa mưa bão vẫn tái diễn.
Làng cá Hố Gùi (ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi) có gần 300 hộ sinh sống sát mé biển, đời sống bấp bênh từ những chuyến biển cạn và nơm nớp lo sợ khi mùa mưa bão đến. Dự án tái định cư Làng cá Hố gùi có tổng vốn đầu tư hơn 7 tỉ đồng do UBND huyện Đầm Dơi làm chủ đầu tư. Đến nay, đã hoàn thành nhiều hạng mục với kinh phí 4,5 tỉ đồng, bố trí gần 300 hộ dân ở ven biển về đây sinh sống. UBND huyện Đầm Dơi đang tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của dự án như: chợ, trường và hệ thống nước sạch bổ sung. Giờ đây, về lại làng cá Hố Gùi ai ai cũng thấy khởi sắc, đời sống của bà con đổi thay, nhất là thời gian gần đây, người dân sinh sống bằng nghề biển trúng đậm mùa ruốc; do đó điều kiện sống của người dân có khá giả hơn lên.
Không chỉ đầu tư đồng bộ về hạ tầng cơ sở, UBND tỉnh đã tính đến nhiều phương án chăm lo đời sống cho người dân. Tỉnh đã khai hoang đưa vào sản xuất được 126 ha để cấp cho các hộ tái định cư vùng khó khăn; trong đó diện tích trồng lúa là 66 ha, diện tích trồng màu là 60 ha. Các hộ dân đã đưa diện tích đất này vào sản xuất và ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tiến Dũng cho rằng, nhiệm vụ trước mắt cần làm nhanh là phải đưa ngay người dân vào khu tái định cư đã được bố trí để bảo vệ tính mạng của người dân và muốn người dân sống ổn định trong khu tái định cư đã được bố trí thì cần phải tạo công ăn việc làm kể cả đào tạo nghề cho người dân; nên chăng trong khi xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng cần ưu tiên xây dựng các điểm chợ nhóm, các sạp vá lưới, quy hoạch nơi phơi ruốc tập trung để tạo công ăn việc làm cho họ. Do đó, UBND tỉnh đã lồng ghép tất cả các nguồn vốn có thể để thực hiện mục tiêu bố trí tái định cư cho dân. Về lâu dài cần tính đến phương án đào tạo nghề cho lao động, thành lập các hợp tác xã làm ra các sản phấm mang thương hiệu, hỗ trợ vốn giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, với 4 dự án trọng điểm về tái định cư của tỉnh tập trung ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển khi hoàn thành sẽ bố trí 2.253 hộ ở những khu vực không an toàn ven các cửa biển, ven rừng phòng hộ vào định cư sinh sống ổn định, lâu dài. Với tổng số vốn đầu tư 4 dự án này hơn 183 tỷ đồng.
Việc hình thành các khu tái định cư của tỉnh Cà Mau chủ yếu là lo cho dân và đó là cơ hội ho dân nghèo ven rừng, ven biển có điều kiện an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài.