ThienNhien.Net – Nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 4 Ủy ban thường trực Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, ngày 02/06, tại Hà Nội, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội thảo Nhóm công tác kỹ thuật tiểu vùng sông Mê Kông gồm các nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma bàn giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Hội thảo này sẽ đóng góp những ý kiến quan trọng góp một phần quan trọng vào chương trình cho cuộc họp Nhóm kỹ thuật tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 3 và cuộc họp Uỷ ban thường trực Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 4 trong hai ngày tới. Đây sẽ là một diễn đàn nhằm giúp các chuyên gia, đại diện của các bên thảo luận và chia xẻ về những kế hoạch hành động của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, đặc biệt các bên sẽ hoàn thiện kế hoạch hành động cho Nhóm kỹ thuật tiểu vùng sông Mê Kông.
Trong thời gian qua, các thành viên của Nhóm kỹ thuật tiểu vùng sông Mê Kông và các chuyên gia đã đưa ra nhiều sáng kiến để áp dụng trong thực tiễn của công tác quản lý lửa rừng ở mỗi nước, góp phần không nhỏ vào tăng cường sự hợp tác giữa các nước trong vùng vì mục tiêu chung. Tại hội thảo này các đại biểu cùng nhau phối hợp chặt chẽ để xây dựng khung hành động cho các nước tiểu vùng sông Mê Kông trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ diễn đàn, nơi hội tụ các chuyên gia giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý lửa rừng.
Kể từ năm 2002, khi Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được thông qua, các nước ASEAN đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động khẩn cấp có hiệu quả, tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do cháy rừng đã giảm căn bản; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Trong thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều hành động và biện pháp khác nhau, trong đó đã ứng dụng thành công công nghệ viễn thám để kiểm soát và giảm thiểu cháy rừng, góp phần quan trọng vào việc không ngừng nâng cao độ che phủ rừng trên toàn quốc, đồng thời cam kết tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước trong vùng và trong khu vực, đặc biệt là với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.