ThienNhien.Net – Các khu rừng đặc dụng ở Đắk Lắk đang bị xâm hại, đe dọa tính đa dạng sinh học và điều kiện môi trường sinh thái tiểu vùng; một số nơi đang mất dần các loại thực vật đặc hữu, động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Tỉnh Đắk Lắk có 5 khu bảo tồn thiên nhiên và 2 vườn quốc gia, diện tích quy hoạch hơn 244.000ha.
Vườn quốc gia Yok Đôn phân bố trên địa bàn các huyện Buôn Đôn và Ea Súp với diện tích hơn 115.000ha, lớn nhất cả nước. Đây là khu rừng phong phú và đa dạng các loại động thực vật với nhiều loại quý hiếm đặc trưng cho rừng khộp và rừng thường xanh nhiệt đới. Thời gian qua, lâm tặc thường xuyên xâm hại vườn quốc gia, tàn phá rừng đặc dụng, khai thác hàng ngàn cây gỗ quý như giáng hương, cẩm lai; săn trộm các loài động vật hoang dã, động vật quý.
Vườn quốc gia Chư Yang Sin trên địa bàn huyện Krông Bông, diện tích 59.000ha, rất phong phú các loại động thực vật vùng núi cao nhiệt đới. Do lực lượng bảo vệ quá mỏng, rừng lại phân bố theo chiều dài của dãy núi cao nên người dân địa phương dễ dàng vào khai thác gỗ trái phép và săn bắt các động vật hoang dã, nhất là khai thác trộm gỗ pơ mu, đặt bẫy săn beo lửa, voọc chà vá – những loại động vật cực kỳ quý hiếm.
Khu bảo tồn thiên Ea Sô (huyện Ea Kar) là khu đa dạng sinh học nổi tiếng của Việt Nam với nhiều loài động thực vật quý hiếm, trong đó có bò tót, bò rừng. 3 năm trở lại đây, do công tác quản lý bảo vệ bị buông lỏng, các loại gỗ quý bị khai thác trộm khá nhiều, tệ nạn săn bắt động vật xảy ra thường xuyên. Đến nay, bò tót và bò rừng không còn xuất hiện ở khu bảo tồn.
Tương tự, ở Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka tại huyện Lắk, bị tàn phá nhiều nên rừng suy kiệt, số lượng các loài động vật giảm đáng kể. Hổ Đông Dương trước có khá nhiều ở đây nhưng nay hầu như không thấy xuất hiện. Với tình trạng phá rừng chưa chấm dứt, hệ sinh thái của rừng đặc dụng tiếp tục bị đe doạ, nguy cơ xoá sổ khu bảo tồn cũng đang đến gần.
Tại hai khu bảo tồn thủy tùng Ea Ral (huyện Ea H’leo) và Trấp Ksơr (Krông Buk), loài thực vật rất quý này tồn tại số lượng ít ỏi và đang bị lén lút chặt trộm; diện tích rừng đặc dụng bị thu hẹp.