ThienNhien.Net – Trung tuần tháng 5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm khoảng 1/3 kể từ năm 1990. WHO cũng cảnh báo cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa nhằm đạt được thành công tương tự trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Năm 1997 đánh dấu bước đột phá trong ngành y tế khi số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong đã giảm mạnh từ 12,5 triệu em năm 1990 xuống 9 triệu em. Con số này là bước tiến đầu tiên của WHO trên đà thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỉ về sức khỏe. Đây là mục tiêu thứ 4 trong tổng số 8 mục tiêu thiên niên kỉ sẽ được hoàn thành vào năm 2015.
Ông Ties Boerma, Trưởng Ban Thống kê và Thông tin Y tế của WHO cho rằng số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi giảm mạnh trong thời gian qua chứng tỏ cộng đồng quốc tế đã không ngừng củng cố hệ thống y tế, triển khai các biện pháp phòng ngừa như dùng màn chống muỗi ngăn bệnh sốt rét, vệ sinh chống dịch tả, mở rộng diện tiêm phòng vắcxin và cải thiện nguồn nước cũng như môi trường sinh hoạt ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cảnh báo nhiều nước châu Phi và các nước có thu nhập thấp có thể không thực hiện được mục tiêu giảm 2/3 số trẻ tử vong vào năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Nghiên cứu này được xây dựng trên 100 chỉ số về y tế và sức khỏe của 193 quốc gia thành viên.
Tiến sĩ Boerma cho rằng các nước trên thế giới đã đi được một nửa chặng đường để hướng tới Mục tiêu Thiên niên kỉ vào năm 2015. Ông cũng lưu ý cần tăng cường hơn nữa hệ thống y tế ở những nước có tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS cao, kinh tế khó khăn hoặc đang có xung đột.
Ông Boerma đồng thời kêu gọi các nước quan tâm hơn tới nhóm dân cư nghèo nhất vì tỷ lệ trẻ tử vong ở nhóm này vẫn rất cao, quá trình triển khai mục tiêu diễn ra chậm.
Dù vậy, tỉ lệ tử vong ở các bà mẹ và trẻ sơ sinh hầu như không có tiến triển. Gần 40 % trường hợp tử vong của trẻ dưới 5 tuổi là ở tháng đầu tiên sau khi sinh, thậm chí chỉ vài tuần.
Ông Boerma cho biết: “Tuy rằng các số liệu thống kê còn chắp vá và chưa đầy đủ nhưng dường như nơi nào, khu vực nào có kinh tế phát triển chậm nhất thì nơi đó có tỷ lệ phụ sản và trẻ em chết yểu cao nhất. Tỷ lệ tử vong gia tăng chính là hậu quả từ một hệ thống y tế yếu kém, và sự xuất hiện ngày càng nhiều các vấn nạn đe dọa sức khỏe như đại dịch, biến đổi khí hậu toàn cầu.”