ThienNhien.Net – Sau gần 20 năm dày công nghiên cứu thông qua các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, đội ngũ cán bộ thuộc bộ môn Sinh lý thực vật của Viện Sinh học nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã cho ra đời quy trình gồm một loạt các khâu kỹ thuật đã được nghiên cứu hoàn thiện sản xuất khoai tây giống sạch bệnh, như kỹ thuật nuôi cấy “mô phân sinh đỉnh” tạo nguồn mẫu sạch vi-rút, quy trình nhân nhanh trong ống nghiệm các mẫu giống khoai tây sạch bệnh, tạo củ, bảo quản củ siêu bi, tạo bồn mạ phục vụ nhân nhanh cây sạch bệnh….
Quy trình cho phép sản xuất chủ động củ giống khoai tây đạt tiêu chuẩn quốc gia có chất lượng sạch bệnh tương đương củ giống nhập ngoại, giá thành chỉ bằng 50%. Quy trình đã được chuyển giao cho nhiều cơ quan nghiên cứu và cơ sở sản xuất của nhiều tỉnh, thành phố như Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình…
GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết: “Khoai tây là cây trồng vụ đông lý tưởng ở đồng bằng Sông Hồng nhưng là cây nhân giống thông qua củ, nên hiện tượng thoái hóa giống do virus diễn ra liên tục sau mỗi vụ trồng làm giảm năng suất nghiêm trọng. Giải pháp duy nhất là phải có củ giống sạch bệnh virus để thay thế. Công trình khoa học trên được nghiên cứu nghiêm túc, chính xác với nhiều sáng tạo để có thể vận hành hiệu quả trong điều kiện Việt Nam. Quy trình đã được thực tiễn sản xuất kiểm nghiệm, khẳng định tính khả thi, tính lặp lại với kết quả ổn định cho tất cả các cơ sở áp dụng.
Nhiều địa phương có thể duy trì và tự sản xuất ở các cấp khác nhau phục vụ cho nhu cầu của mình, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Tỉnh Thái Bình đã sản xuất được 1,35 triệu củ giống siêu nguyên chủng, 50 tấn củ giống nguyên chủng và 700 tấn khoai tây giống cấp xác nhận. Trung tâm giống cây trồng Nam Định đã sản xuất được 1,2 triệu củ giống siêu nguyên chủng, 207 tấn nguyên chủng và 1.600 tấn khoai tây giống cấp xác nhận đạt chất lượng tốt.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi và đã áp dụng thành công công nghệ này. Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ – Sở Khoa học Công nghệ Lạng Sơn áp dụng quy trình trên diện tích 1 ha nhà lưới, thời gian 2007-2008 đã sản xuất được 700.000 tấn củ giống siêu nguyên chủng từ nuôi cấy mô. Tỉnh tiếp tục phấn đấu sản xuất được 1.000 tấn giống xác nhận vào năm 2010, đáp ứng nhu cầu trồng cho 60% diện tích khoai tây.