ThienNhien.Net – Phát biểu tại buổi công bố Khung Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp, ngày 29/05 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học khẳng định thực hiện chương trình này là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết biển đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng nhiều nhất cho Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, hạn hán đã xảy ra liên tục tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam với cường độ ngày càng mạnh và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn người và tài sản. Mỗi năm, thiệt hại do thiên tai gây ra chiếm khoảng 1,5% GDP của Việt Nam.
Riêng trong nông nghiệp và nông thôn, khu vực liên quan tới 73% dân số Việt Nam và hầu hết là người nghèo, biến đổi khí hậu tác động đến cả nông-lâm nghiệp, làm muối, phát triển thủy sản, thủy lợi, tài nguyên nước, các hệ sinh thải biển và vùng ven biển.
Các vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải miền trung và các thành phố ven biển.
Vì lẽ đó, đảm bảo an ninh lương thực, quản lý đê , kiểm soát bão, lũ… nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là “vô cùng quan trọng đối với sự ổn định xã hội và phát triển bền vững,” Thứ trưởng Đào Xuân Học nhận định.
Cũng bởi vậy, ngoài chương trình chung của quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, ngành nông nghiệp cũng đã phê chuẩn chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu với mức kinh phí dự kiến hơn 102 tỷ đồng trong giai đoạn 1, từ 2010 đến 2015.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong số những nước bị tổn thương nặng nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, nếu mực nước biển tăng 1m thì khoảng 5% diện tích đất của Việt Nạm sẽ bị tác động tiêu cực, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% GDP. Nếu mức ngập là 3-5m thì đồng nghĩa với nguy cơ “thảm hoạ có thể xảy ra” ở Việt Nam.
Biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, được quan tâm nghiên cứu trên thế giới từ những năm 1960 và tại Việt Nam từ những năm 1990. Tuy nhiên, những nghiên cứu ở Việt Nam còn mang tính đơn lẻ, hạn chế, chủ yếu là mới là cách thích ứng với thiên tai, suy thoái và môi nhiễm môi trường; chưa có được chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu đầy đủ, toàn diện, có tính hệ thống.