LHQ cảnh báo Mê Kông trước nguy cơ từ xây đập

ThienNhien.Net – Trước khi cuộc họp của Ủy ban sông Mê Kông diễn ra (27/05/2009) chỉ vài ngày, Liên hiệp quốc đã công bố một bản báo cáo cho biết một đập lớn của Trung Quốc đang gây mối đe dọa chưa từng có đối với dòng Mê Kông.

Mê Kông: Cần đánh giá sâu tác động của đập thủy điện

Trung Quốc đã và đang tiến hành xây dựng 8 đập ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông, nơi dòng sông được biết đến với tên Lan Thương, thuộc tỉnh Vân Nam. Trong đó có đập Tiểu Loan – con đập cao nhất thế giới, 292m, vừa mới hoàn thành.
Bản cáo cáo cho biết hồ chứa thủy điện Tiểu Loan có dung tích lớn bằng tổng dung tích của tất cả các hồ chứa trong vùng Đông Nam Á cộng lại. Trong khi đó, ở phía dưới, Lào cũng đang triển khai thi công 23 công trình thủy điện khác trên dòng chính và các nhánh Mê Kông với kỳ vọng kích thích phát triển nền kinh tế và giảm nghèo. Dự kiến những công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2010. Cam-pu-chia và Việt Nam ở vùng hạ lưu cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển thủy điện.

Trong thời gian qua, Cam-pu-chia tỏ rõ thái độ quan ngại trước việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện tại Trung Quốc và Lào, bởi nước này sẽ chịu thiệt hại lớn về sản lượng cá. Trong số các công trình thủy điện sẽ xây dựng ở Lào, có một thủy điện đặt ở khu vực biên giới giáp vùng Lbak Khon của Cam-pu-chia. Nó làm dấy lên luồng ý kiến phản đối từ phía các nhà bảo tồn và chuyên gia thủy sản Cam-pu-chia. Đây là công trình thủy điện cỡ lớn, với công suất dự kiến trên 300MW, mặc dù vậy, xét về mặt kinh tế, nó còn gây thiệt hại cho xã hội và cộng đồng địa phương lớn gấp nhiều lần so với lợi ích thu về.

Các chuyên gia LHQ nhận xét rằng kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập thủy điện vùng thượng nguồn Mê Kông sẽ gây ra một nguy cơ cực kỳ lớn cho vùng hạ lưu. Nó có thể làm thay đổi lưu lượng dòng chảy cũng như lưu lượng nước theo thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng nước và làm suy giảm tính đa dạng sinh học của cả vùng.
Phản biện lại bản báo cáo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ma Zhaoxu, phát biểu rằng Chính phủ Trung Quốc luôn cân nhắc để phát triển cân đối, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến dòng Mê Kông. Đây cũng là những lý lẽ được lặp lại trong nhiều phát ngôn của Trung Quốc trước sự phản ứng từ vùng hạ lưu. 
Chuyên gia LHQ cũng cho biết nguy cơ không chỉ do các đập đang được xây dựng, các dự án thủy điện đang chờ phê duyệt sẽ còn tiếp tục gây áp lực lớn hơn nữa lên dòng sông và toàn bộ lưu vực.
Sông Mê Kông tính đến thời điểm hiện tại chưa khô cạn, ô nhiễm tới mức báo động hay chịu sức ép của những cuộc xung đột tranh chấp như nhiều dòng sông khác trên thế giới. Tuy nhiên, do các đập nước đã được xây dựng trước đây, mực nước sông đã giảm đáng kể ở vùng thượng nguồn, và nguy cơ ô nhiễm và chịu tác động của BĐKH là hiện hữu.
Điều này có thể thấy ở một số lưu vực sông như hồ Tonle Sap ở Cam-pu-chia, Nam Khan ở Lào và Sekong-Sesan Srepok ở Cam-pu-chia và Việt Nam
Kết thúc bản báo cáo, LHQ kêu gọi các quốc gia tiểu vùng Mê Kông mở rộng cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề kiểm soát dân số và các hoạt động phát triển kinh tế, sao cho không vượt quá ngưỡng tải của tự nhiên.