ThienNhien.Net – Cuộc họp của Uỷ ban sông Mê Kông (MRC) tại Viêng Chăn vào ngày 27/05/2009 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung xem xét kỹ lưỡng các dự án xây đập nước trên các dòng chảy chính của sông Mê Kông cũng như tiến hành đánh giá rộng rãi việc phát triển thuỷ điện trên dòng sông này.
Theo ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Ban Thư ký thuộc Uỷ ban sông Mê Kông, hệ thống sông Mê Kông cung cấp một nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, có giá trị nhưng đồng thời cũng rất mỏng manh. Trước khi quyết định có tiến hành dự án phát triển thuỷ điện ở dòng chảy chính của sông Mê Kông hay không, bốn nước vùng hạ lưu đã nhất trí hợp tác để nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của các dự án phát triển và đảm bảo rằng đề án xây dựng thuỷ điện mới của khối tư nhân được chỉ đạo dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Bird đã phát biểu như vậy vào thời điểm Uỷ ban sông Mê Kông tiến hành đánh giá chiến lược đề án phát triển ở Lào, Cam-pu-chia và biên giới Lào-Thái Lan. Ảnh hưởng của những con đập ngược dòng trên sông Lan Thương-Mê Kông của Trung Quốc cũng sẽ được tập hợp vào bản Đánh giá Môi trường chiến lược. Uỷ ban sông Mê Kông sẽ sử dụng thông tin trong nghiên cứu này để nâng cao khả năng chỉ đạo các quốc gia thành viên trong quá trình quyết định và đối thoại.
Uỷ ban sông Mê Kông cho biết ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á đã tạo cơ hội cho bốn quốc gia thuộc hạ lưu sông Mê Kông (Cam-pu-chia, Lao, Thái Lan và Việt Nam) có thêm thời gian để đánh giá tốt hơn tác động của những dự án trên dòng chính của sông Mê Kông tới cư dân ở lưu vực con sông này.
Cũng theo ông Bird, Uỷ ban sông Mê Kông hiện đang phải đối mặt với thách thức chiến lược quan trọng nhất từ khi Thoả thuận sông Mê Kông được kí vào năm 1995 bởi mối quan tâm đang ngày càng gia tăng của việc xây dựng đập thuỷ điện trên dòng chảy chính ở hạ lưu sông Mê Kông.
Hiện các nhà máy thuỷ điện trên các nhánh sông Mê Kông đã sản xuất được 3.235 MW điện – ngoài ra các đập nước với công suất 3.209 MW cũng đang được xây dựng. Mới đây các doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu quan tâm tới những dự án phát triển thuỷ điện hiện đang được cân nhắc kỹ lưỡng trên dòng chảy chính của sông. sông Mê Kông là một trong số các con sông được khai thác thuỷ điện nhiều nhất trên thế giới với 8 dự án đập đã hoàn thiện hoặc đang được lên kế hoạch ở Tỉnh Vân Nam Trung Quốc (nơi dòng Mekông được gọi là Lan Thương) và 11 đề án của Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan – tất cả đều đang ở giai đoạn xem xét hoặc nghiên cứu tính khả thi.
Uỷ ban sông Mê Kông đã thảo luận với các chuyên gia hợp tác kỹ thuật Trung Quốc để đánh giá thay đổi vùng hạ lưu do phát triển thuỷ điện gây ra. Trung Quốc và Myanmar là hai đối tác trao đổi và đều giữ vai trò năng động trong việc chia sẻ thông tin và hợp tác với bốn quốc gia thành viên là Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. |
Như trong Thoả thuận sông Mê Kông 1995, các quốc gia thành viên của Uỷ ban sông Mê Kông đều cam kết tiến hành phê chuẩn công khai trước khi ra quyết định xây dựng đập trên sông. Quá trình phê chuẩn phải cân nhắc lợi ích của người dân cũng như của các ngành năng lượng, thuỷ sản, du lịch và hàng hải. Những dự án được nghiên cứu để phát triển ở hạ lưu sông Mê Kông được đưa lên Uỷ ban để hội đàm nhằm giúp các quốc gia thành viên thống nhất các vấn đề quan trọng và mang tính nhạy cảm về nguồn tài nguyên nước chung giữa các quốc gia và sự phát triển cân bằng của dòng sông.
Những nghiên cứu trước đây do Uỷ Ban tiến hành cho thấy việc xây đập vừa có ảnh hưởng tích cực, vừa có ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn, theo Uỷ ban phân tích, những con đập có trữ lượng lớn ở thượng lưu sông Mê Kông có thể giúp tăng lưu lượng nước vào mùa khô và giảm tình trạng ngập lũ, từ đó mang lại lợi ích cho người dân sử dụng nước sông. Nhưng đồng thời sự thay đổi lưu lượng cũng có thể làm giảm sản lượng thủy sản. Tác động lớn nhất của đề án xây dựng đập trên dòng chảy chính ở hạ lưu sông Mê Kông ngoài vấn đề tái định cư rất có thể sẽ là sự thay đổi đáng kể về luồng di cư của các loài cá, môi trường sống thủy sinh lưu lượng trầm tích, từ đó dẫn đến xói mòn và mất chất dinh dưỡng vùng châu thổ.
Hơn 60 triệu người dân sống ở hạ lưu sông Mê Kông dựa vào hệ thống sông làm nguồn thức ăn, luồng giao thông và tiến hành các hoạt động kinh tế. Các loài thuỷ sản nước ngọt ở lưu vực sông có giá trị thương mại ít nhất là 2 tỷ USD mỗi năm, tạo ra một ngành thuỷ sản nội địa có giá trị lớn nhất trên thế giới. sông Mê Kông còn cung cấp 80% lượng đạm động vật cho cư dân sống ở đây, trong đó 70% lượng đánh bắt thương mại là các loài di cư từ nơi xa, vốn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đập nước trên sông.
Nhu cầu về điện gia tăng nhanh chóng ở khu vực trong thập kỷ vừa qua và sự chuyển biến của thế giới nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch để sản xuất năng lượng đã tạo thêm áp lực phát triển dự án thuỷ điện ở lưu vực sông Mê Kông vì thuỷ điện được coi là nguồn năng lượng tái tạo và là thu nhập ngoại tệ có thể chi trả các chương trình phát triển xã hội cần thiết khác. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo sản xuất điện của Thái Lan (EGAT) gần đây đã tuyên bố rằng quốc gia này đã cắt giảm được lượng năng lượng dự tính nhập khẩu trong hơn 15 năm tới từ con số ước tính ban đầu là 13.000 xuống còn 5.000 MW. Điều này đã phản ánh tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Uỷ ban sông Mê Kông là tổ chức liên chính phủ chịu trách nhiệm hợp tác quản lý bền vững lưu vực sông Mê Kông gồm các quốc gia thành viên là Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Uỷ ban giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới dòng sông bao gồm thuỷ sản bền vững, xác định cơ hội cho nông nghiệp, duy trì tự do hàng hải, quản lý ngập lụt và bảo tồn hệ sinh thái quan trọng. Trên hết là các tác động trong tương lai của lũ lụt bất thường, hạn hán kéo dài và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Uỷ ban sông Mê Kông tư vấn nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa chính phủ, khối tư nhân và xã hội dân sự đối với những vấn đề kể trên. |