ThienNhien.Net – Trong khi quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu xem xét các luật định về khí nhà kính, giả thuyết gây tranh cãi về tác động của mặt trời đến sự ấm lên toàn cầu cuối cùng đã bị bác bỏ.
Giáo sư ngành công nghệ dân dụng và môi trường Đại học Camegie Mellon, Peter Adams, và nhà nghiên cứu Jeff Pierce thuộc Đại học Dalhousie ở Halifax, Canada đã phát triển một mô hình thử nghiệm giả thuyết gây tranh cãi cho rằng những thay đổi trên mặt trời gây ra sự ấm lên toàn cầu.
Thử nghiệm này đã làm tăng hoạt động của mặt trời và giảm độ che phủ của mây bằng cách thay đổi tia vũ trụ. Mây giảm, nhiều ánh sáng mặt trời chiếu tới sẽ khiến trái đất nóng lên – Một vài người hoài nghi sự biến đổi khí hậu đã cố gắng sử dụng giả thuyết này để cho rằng khí nhà kính có lẽ không phải là thủ phạm gây ra sự ấm lên toàn cầu như phần lớn giới khoa học từng khẳng định.
Trong nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Geophysical Research Letters (Thông điệp nghiên cứu địa vật lý) đồng thời trong bài nổi bật trên tờ Science (Khoa học) số ra ngày 01/05/2009, Adams và Pierce đã báo cáo mô phỏng khí quyển đầu tiên về sự thay đổi của các ion không khí và sự hình thành hạt từ sự biến thiên trên mặt trời và tia vũ trụ. Họ phát hiện ra rằng những thay đổi về nồng độ hạt vốn ảnh hưởng đến độ mây khoảng 100 lần là quá nhỏ để có thể tác động tới khí hậu.
Nói về kết quả nghiên cứu của mình, Adams phát biểu: “Cho tới nay, những người đề xuất giả thuyết này vẫn khẳng định rằng mặt trời có thể là nguyên nhân của hiện tượng ấm lên toàn cầu bởi vì chưa ai có một mô hình máy tính để thử nghiệm lại những nhận định đó.”
Theo Adams, sai lầm cơ bản của giả thuyết này là cho rằng sự biến thiên của mặt trời có thể thay đổi sự hình thành các hạt mới với tỷ lệ ít hơn 30% trong khí quyển. Tuy nhiên, những hạt này cực nhỏ và phải được tăng về kích thước chúng mới có thể ảnh hưởng đến mây. Song điều này là không thể.
Mặc dù còn nhiều câu hỏi chưa sáng tỏ nhưng Adams và Pierce tự tin khi cho rằng giả thuyết trên phải được loại bỏ: “Không có mô phỏng nào phức tạp như mô phỏng khí quyển. Những người đề xuất giả thuyết tia vũ trụ có lẽ sẽ nghi ngờ những kết quả này, tuy nhiên những hiệu ứng quan sát được trong mô hình là quá yếu khiến chúng tôi khó có thể nhìn nhận kết quả theo hướng khác”.