ThienNhien.Net – Tháng 3/2009, Henry A. Waxman, chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng, cùng Edward J. Markey, chủ tịch Tiểu ban Môi trường và Năng lượng đã trình Quốc hội Mỹ bản dự luật về năng lượng sạch, hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm mới, hạn chế sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu mỏ nước ngoài và chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu. Dự luật gây ra nhiều tranh cãi trong Quốc hội Mỹ và cả trong giới bảo vệ môi trường. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết về vấn đề này của giáo sư kinh tế Paul Krugman, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008 vì những đóng góp trong thuyết thương mại và kinh tế địa lý.
Việc đưa ra quan điểm phản đối từng rất dễ dàng dưới thời tổng thống Bush: phe của tổng thống Bush và đồng minh trong Quốc hội thường rất quyết tâm đưa đất nước theo hướng đi sai lầm mà bất cứ ai có lương tâm tất sẽ phản đối tất cả sáng kiến của chính phủ.
Tuy nhiên, hiện tại một liên minh những người theo chủ nghĩa tiến bộ và chủ nghĩa ôn hòa đang nắm quyền điều hành Washington và việc bác bỏ một quan điểm trở nên khó khăn hơn nhiều.
Các chính sách đều được kỳ vọng hướng mọi việc diễn biến theo chiều hướng mong muốn, tuy nhiên phải lúc nào cũng đáp ứng hết được kỳ vọng của mọi người. Và giờ câu hỏi được đặt ra là cách thỏa hiệp hay tháo gỡ vấn đề nào được đón nhận.
Cuối năm nay sẽ có nhiều người chủ trương cải cách y tế phải tự vấn lại mình. Nhưng ngay vào lúc này, chính cộng đồng môi trường phải quyết định sẽ thay đổi đến đâu.
Nếu chúng ta định tiến hành sớm những hành động thiết thực để hạn chế biến đổi khí hậu, thì nhất thiết phải thông qua bản dự luật do nghị sĩ Henry Waxman và Eduard Makey đề xuất. Dự luật của họ sẽ hạn chế khí nhà kính bằng cách yêu cầu những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nhận hoặc mua quyền thải khí.
Rõ ràng, những nghi ngại thông thường về chân lý: rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là không có thực, rằng việc hạn chế khí thải sẽ phá hủy nền kinh tế… đã phản đối dự luật Waxman-Markey. Tuy nhiên, dự luật còn vấp phải sự bất đồng của chính những nhà hoạt động vì môi trường, những người đang bỏ lỡ cơ hội thỏa hiệp mà các nhà tài trợ đề xuất nhằm đạt được sự ủng hộ về mặt chính trị.
Vậy những gì Waxman – Markey đưa ra liệu đã đủ tốt chưa?
Cựu Phó Tổng thống Al Gore đã ca ngợi dự luật và lên kế hoạch tổ chức một chiến dịch cơ sở vận động cho dự luật. Một số tổ chức môi trường, từ Liên đoàn Bảo tồn đến Quỹ Bảo vệ Môi trường, cũng ủng hộ mạnh mẽ dự luật này.
Song Tổ chức Hoà Bình Xanh lại tuyên bố “không thể ủng hộ dự luật trong hiện trạng của nó”. Một số nhân vật có uy tín trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là James Hansen – nhà khoa học của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), người đầu tiên thu hút được sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề ấm lên toàn cầu – cũng phản đối toàn bộ ý tưởng thương mại hóa khí thải và đề xuất dùng thuế cac-bon thay thế.
Tôi đồng ý với ngài Al Gore. Đạo luật hiện đang trên bàn nghị sự không phải là dự luật lý tưởng mà chúng ta kỳ vọng nhưng đó là dự luật chúng ta có thể thực thi, và nó còn hơn rất nhiều việc không có dự luật nào.
Một trong những ý kiến phản đối dự luật cho rằng thuế carbon tốt hơn thương mại hóa khí thải – điều này theo quan điểm của tôi là sai lầm. Về nguyên tắc, thuế khí thải và giấy phép trao đổi khí thải có hiệu quả như nhau trong việc giảm ô nhiễm. Nhưng trong thực tế, thương mại hóa khí thải có một số lợi thế chủ đạo, đặc biệt là trong mục tiêu đạt được một sự hợp tác quốc tế hiệu quả.
Không cần phải trình bày quá nhiều, chỉ cần hình dung việc sẽ khó khăn ra sao để xác định liệu Trung Quốc có thực thi cam kết về thuế carbon hay không, khác hẳn việc để các chủ nhà máy tự kết nối với nhau theo đúng luật. Ngược lại, tương đối dễ dàng để xác định xem Trung Quốc có hạn chế lượng chất thải dưới mức cam kết hay không?
Lời phản bác nghiêm trọng hơn đối với Waxman – Markey là dự luật đã đặt ra một hệ thống mà bên dưới có rất nhiều thủ phạm gây ô nhiễm lại không phải chi trả cho quyền thải khí nhà kính – tức là họ được cấp phép miễn phí. Đặc biệt trong năm đầu tiên chương trình đi vào hoạt động, hơn 1/3 lượng phân bổ giấy phép khí thải sẽ được chuyển giao miễn phí cho ngành công nghiệp năng lượng.
Hiện tại, những lời phản đối này không thể phá hoại tính hiệu quả của dự luật. Thậm chí khi đối tượng gây ô nhiễm được giấy phép miễn phí, họ vẫn có động lực giảm lượng khí thải để bán phần quyền thải khí còn lại cho người khác. Đó không chỉ là lý thuyết. Hạn định khí thải sulfur dioxide (SO2) cũng được phân bổ miễn phí cho các thiết bị điện, song hệ thống trao đổi lượng khí SO2 cắt giảm đã rất thành công trong việc kiểm soát mưa axit.
Tuy nhiên, dưới tác động của nó, việc cấp giấy phép thải khí có thể chuyển của cải từ người đóng thuế sang các ngành công nghiệp. Chính vì thế, nếu bạn ủng hộ những chương trình vì môi trường không cần những khoản đầu tư mang ý nghĩa chính trị thì dự luật của Waxman – Markey sẽ khiến bạn thất vọng.
Tuy nhiên, dự luật vẫn là một động thái quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu. Và hơn hết, dự thảo này có một cơ hội thực sự để được thông qua trong thời gian gần.
Những ai phản đối dự luật này phải tự vấn lại mình xem liệu họ có đang biến cái hoàn hảo trở thành kẻ thù của cái tốt không. Tôi nghĩ là có.
Sau nhiều năm phản đối mà không có động thái gì, cuối cùng ta cũng có một cơ hội để làm điều gì đó nhằm cải thiện hiện tượng biến đổi khí hậu. Dự luật Waxman – Markey không hoàn hảo và còn nhiều điểm cần cải thiện, nhưng đó là hành động chúng ta có thể tiến hành ngay lúc này. Hành tinh của chúng ta sẽ không thể chờ đợi.
Paul Krugman – giáo sư đại học Princeton, đồng thời là cây bút bình luận sắc sảo của tờ The New York Times, được tạp chí Time bình chọn là một trong 20 nhà khoa học và nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009. Ông từng được Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ trao huy chương John Bates Clark, một huy chương rất có uy tín, được xem là dấu hiệu của “tương lai Nobel”, năm 1991. Năm 2008 ông đoạt giải Nobel Kinh tế vì những cống hiến trong thuyết thương mại và kinh tế địa lý. Tháng 5 mới đây ông đã có đã có mặt tại Việt Nam theo lời mời của trường Doanh nhân PACE và chủ trì buổi diễn thuyết với chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng.”
Ảnh bên: GS. Paul Krugman. Ảnh của Fred R. Conrad/The New York Times. |