ThienNhien.Net – Nhiều người trước đây từng nghi ngờ cảnh báo về “biến đổi khí hậu”, coi đó chỉ là chuyện thêu dệt,dọa dẫm giờ đã phải thừa nhận đó là một thực tế không thể đảo ngược. Song, người ta vẫn cố lập luận rằng than sạch” sẽ là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thảm họa khí hậu này. Nếu than sạch quả đúng là lời giải cho vấn đề năng lượng hiện nay thì hà cớ gì ở nhiều nơi người ta vẫn phản đối việc xây dựng thêm những nhà máy điện sử dụng than sạch?
Đầu năm nay, những người Mỹ đã tham gia vào một sự kiện đáng ghi dấu trong lịch sử của đất nước này nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu. Họ tụ tập để chống đối tại các nhà máy nhiệt điện dùng than đã và đang đem lại quyền lực cho các nhà lập pháp ở Washington DC.
Một số người cho rằng đây là thời điểm những người Mỹ bắt đầu hành động. Sự thật là có rất nhiều người Mỹ trong một thời gian dài là tín đồ của quan điểm bác bỏ các thông tin khoa học về biến đổi khí hậu. Họ cho rằng vai trò của loài người trong vấn đề nóng lên toàn cầu đơn thuần chỉ là một vấn đề tranh cãi trong giới khoa học.
Những người mà trong nhiều năm vừa qua vẫn nói với chúng ta rằng thay đổi khí hậu là xa vời thì ngày nay đã phải công nhận là đúng – nhưng người ta vẫn cho rằng có một thứ được gọi là “than sạch” có thể góp phần xử lý được vấn đề này.
Đầu tiên là tổ chức Những người Mỹ vì các Lựa chọn Cân bằng Năng lượng. Năm ngoái, tổ chức này hợp nhất với Trung tâm Năng lượng và Phát triển Kinh tế (Mỹ) để thành lập nên Liên minh Hoa Kỳ vì Điện sử dụng Than sạch (ACCCE). Họ đang cố gắng thuyết phục số đông rằng than là tốt, cho môi trường và cho những nhu cầu về năng lượng của nước Mỹ.
ACCCE năm ngoái đã tiêu 38 triệu USD cho quảng cáo, phần lớn đến từ túi của các thành viên tổ chức trong ngành công nghiệp than, nhằm thuyết phục người dân Mỹ rằng than có thể là một nguồn năng lượng sạch và không sinh ra các-bon.
Câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để chứng minh “than sạch” khi mà nó sinh ra lượng CO2 lớn hơn nhiều so với các chất đốt hóa thạch như dầu và khí thiên nhiên.
Bản thân từ “sạch” có nghĩa rất linh hoạt, nó tùy thuộc vào cách mà bạn muốn hiểu. Ví dụ, theo ACCCE thì các máy sử dụng năng lượng than hiện đại “sạch hơn” 70% so với truyền thống.
Điều này nghe có vẻ hay, như là than đang trở nên sạch hơn. Nhưng thật ra ACCE không hề có ý đề cập đến những loại khí cụ thể nào trong tuyên bố của họ. Trên thực tế, ngành công nghiệp này đã cắt giảm lượng khí thải của SO2 và NOx là nhờ những điều luật quy định liên quan đến mưa axit được thông qua ở Mỹ một vài năm trước. Đó là điều mà “70% sạch hơn” trong tuyên bố của ACCCE muốn đề cập đến. Nhưng thực ra nó lại không hề cắt giảm lượng CO2 đang gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Một chiến lược quan trọng khác là thúc đẩy sử dụng công nghệ tích lũy và lưu trữ các-bon (CCS). Đó là thu lấy CO2 trước khi nó ra khỏi nhà máy điện và chôn chúng vĩnh viễn dưới lòng đất để tránh gây hại. Nó mới gợi mở ra ý tưởng chứ hiện tại cũng chưa có một công nghệ nào như thế.
ACCCE tin vào công nghệ CCS, song họ cũng chỉ nói rằng “Chúng tôi tin rằng người Mỹ có thể tiếp tục tạo nên những tiến bộ trong việc cải thiện chất lượng môi trường trong khi cùng lúc đó có thể tận hưởng được những lợi ích từ việc sử dụng những nguồn năng lượng nội địa như than…”, hay nói ngắn gọn là: “Chúng tôi tin vào công nghệ”. Điều đó cũng tốt, nhưng các nhà công nghệ cần nhiều hơn là một niềm tin.
Trên thực tế, công nghệ này mới dừng ở giai đoạn có ý tưởng, đặc biệt là ở khâu lưu trữ các-bon cuối cùng. Thậm chí, trên một góc nhìn tương đối lạc quan về tính thực tiễn của nó, ít nhất phải mất chừng hai thập kỷ nữa và hàng chục tỉ đô la cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa kể việc triển khai trên thực tế dưới dạng thương mại ở bất kỳ quy mô nào.
Điều đáng ngại nhất là màu sắc chính trị mà câu chuyện than sạch này đưa lại. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vào năm ngoái, Tổng thống Obama đã nói với người dân Michigan: “Bạn không thể bảo với tôi rằng chúng ta không thể tìm ra cách đốt than mà chúng ta khai thác được ngay trên đất Mỹ và sử dụng chúng hiệu quả.” Đó không phải là một câu nói hay, nhưng ACCCE đã bám vào đó để làm một chiến dịch quảng cáo.
Công nghệ CCS đang được rêu rao như một giải pháp khả thi trong khi trên thực tế còn rất xa vời. Và dường như nó được đưa ra để ủng hộ cho ngành công nghiệp than. Nhà khoa học khí hậu của NASA James Hansen công khai ủng hộ hoạt động biểu tình ở Washington DC, và nhấn mạnh rằng không thể có chuyện xây dựng thêm những nhà máy điện sử dụng than sạch trừ phi là CO2 có thể được tích trữ và chôn vĩnh viễn.
Đáng buồn thay, đối với rất nhiều nhà lập định chính sách của Mỹ , việc vừa dùng than vừa tích cực chống lại sự ấm lên của toàn cầu là mộtcơ hội quá tốt không nên bỏ lỡ. Nhưng thực tế cho thấy cái gì quá tốt thì không tồn tại.