ThienNhien.Net – Hương ước bảo vệ môi trường (BVMT) là một dạng cam kết của cộng đồng về BVMT, góp phần thúc đẩy nhân dân địa phương tích cực xây dựng thôn, xóm, khối phố ngày càng khang trang, xanh – sạch – đẹp, khuyến khích những việc làm tốt, có lợi đối với môi trường, ngăn chặn, xóa bỏ những việc làm xấu, những hủ tục lạc hậu mất vệ sinh, ảnh hưởng không tốt đối với môi trường… Hương ước BVMT được các địa phương xây dựng trên cơ sở các hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của từng nơi.
Quy trình xây dựng Hương ước BVMT tại cộng đồng được thực hiện thông qua những kết quả đạt được từ một số dự án thí điểm trong Chương trình hợp tác Việt Nam – Thụy Điển về tăng cường năng lực quản lý đất đai và môi trường (SEMLA). Đó cũng là nội dung Hội thảo “Hương ước BVMT tại cộng động – bài học kinh nghiệm và đề xuất nhân rộng” do Chương trình SEMLA tổ chức sáng 14/05 tại Hà Nội.
Để hoàn thiện quy trình xây dựng Hương ước BVMT cần thiết phải gồm 8 bước. Quy định cụ thể về vệ sinh nơi ở và những khu vực chung, quản lý chất thải, sử dụng các sản phẩm dùng cho vật nuôi và cây trồng, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đồng thời quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng nhóm Nâng cao nhận thức cộng đồng, trước tiên phải điều tra, nghiên cứu nhằm nắm bắt tình hình môi trường và những việc cần làm ở địa phương cũng như nguyện vọng của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương đề xuất việc xây dựng hương ước BVMT.
Tiếp đến là họp với xã/ phường, thôn. Cuộc họp đầu tiên sẽ giới thiệu mục tiêu, sự cần thiết, ý nghĩa và nội dung của Chương trình xây dựng hương ước BVMT. Đây là lúc để thuyết phục chính quyền địa phương nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng Hương ước BVMT. Nhóm soạn thảo Hương ước được thành lập gồm những người có uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hóa, hiểu biết về pháp luật và phong tục, tập quán ở địa phương, có phẩm chất đạo đức tốt.
Trong 8 bước không thể thiếu việc tổ chức Hội thảo/tập huấn cho lãnh đạo xã/ phường và các trưởng thôn, nhóm soạn thảo về bảo vệ môi trường tại địa phương. Buổi Hội thảo/tập huấn nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tiến hành xây dựng và triển khai Hương ước BVMT tại địa phương.
Trên cơ sở ý kiến thu thập được, nhóm soạn thảo đưa ra bản dự thảo Hương ước BVMT. Dự thảo Hương ước cần tập trung vào các vấn đề môi trường của địa phương, xác định các ưu tiên và nguồn lực địa phương giải quyết các vấn đề ở địa phương. Dự thảo Hương ước được gửi đến cơ quan chính quyền, cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã; nếu điều kiện cho phép thì gửi đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến đóng góp.
Dự thảo Hương ước phải được thảo luận kỹ, thực sự dân chủ và thông qua tại Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình ở làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư…
Ngay khi Hương ước được chính thức thông qua, lễ ký cam kết tại các thôn/cụm dân cư sẽ được tổ chức. Đây là một sự kiện quan trọng khi các hộ gia đình chính thức cam kết thực hiện Hương ước. Mỗi hộ gia đình sẽ nhận và ký vào một bản sao của Hương ước như một sự cam kết chính thức. Bản sao cần được treo trong từng gia đình.
Sau lễ ký kết, cần tiến hành ngay các nội dung theo quy định của bản Hương ước. Các hoạt động này được triển khai từ các hộ gia đình đến các hội đoàn thể, chính quyền địa phương.
Đối với những người có hành vi vi phạm các quy định của Hương ước thì áp dụng các hình thức giáo dục, phê bình của gia đình, tập thể cộng đồng, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở cơ sở. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định của Hương ước có thể thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc áp dụng các biện pháp xử phạt…