ThienNhien.Net – Vài năm trở lại đây, tại tỉnh miền núi Hà Giang, ngày càng có nhiều nhiều hộ dân sử dụng hầm khí sinh học Biogas mang lại hiệu quả thiết thực: giữ được rừng, bản làng sạch sẽ, chăn nuôi phát triển.
Những hầm khí sinh học Biogas đầu tiên ở Hà Giang được xây dựng vào năm 2005 tại thị trấn Vinh Quang, huyện vùng cao núi đất Hoàng Su Phì. Thị trấn này là trung tâm của huyện nhưng trong một thời gian dài, người dân địa phương vẫn quen gọi là “phố cứt ngựa” do bà con xuống chợ dắt theo ngựa, thải ra ô nhiễm. Ngoài phân ngựa, số hộ dân ở thị trấn miền núi này khá đông ( trên 430 hộ) nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nặng nề do chất thải từ chăn nuôi trâu bò, lợn…
Để khắc phục ô nhiễm, huyện Hoàng Su Phì đã đầu tư hỗ trợ cho một số hộ dân trong thị trấn xây dựng hầm khí Biogas. Được huyện hỗ trợ xi măng và các tốp thợ có kinh nghiệm xây hầm khí được huyện mời từ xuôi lên, 8 hộ trong thị trấn đã xây dựng hầm khí với dung tích khoảng 18 m3/ hầm. Có hầm khí sử dụng vừa sạch chuồng trại chăn nuôi, lại có gas đun nấu, tiết kiệm được tiền mua củi đun nên không chỉ các hộ được huyện hỗ trợ xây hầm khí “ưng ý” mà các hộ chuyên chăn nuôi lợn, chế biến đậu (đậu phụ, váng đậu, sữa đậu…), làm bánh phở, làm miếng dong… khác trong thị trấn này đã tự bỏ tiền ra xây hầm khí Biogas để sử dụng. Nhờ có hầm khí Biogas, đến nay “thị trấn cứt ngựa” đã sạch, không còn thấy những bãi phân ngựa vương vãi trên các lối đi vì đã được những gia đình có hầm khí hót về đổ vào hầm khí; không còn mùi ô nhiễm từ những hộ chăn nuôi lợn, chế biến thực phẩm trong thị trấn.
Từ mô hình điểm tại huyện Hoàng Su Phì, các huyện khác ở Hà Giang đã khuyến kích bà con các dân tộc làm hầm khí. Tại huyện Bắc Quang, trong số hơn 400 trang trại có chăn nuôi lợn, trâu, bò đã có hơn 200 trang trại đầu tư xây dựng hầm khí Biôgas. Các chủ trang trại sử dụng hầm khí đều cho biết, họ đã tiết kiệm được nhiều lao động vì không phải đi lấy củi để đun nấu, không phải mua dầu thắp sáng vì đã có khí ga thắp sáng…
Tại huyện vùng cao núi đá Yên Minh, từ tháng 07/2008, huyện hỗ trợ 10 hộ dân sống ở bản Đầu Cầu xây dựng 10 hầm khí biogas để từ đó làm mô hình nhân rộng ra diện rộng. Để có một hầm khí ga trên 18m3 hoàn chỉnh cần đầu tư 17 triệu đồng, huyện đã hỗ trợ các hộ này 4 triệu (bằng xi măng, gạch), phần con lại các hộ dân tự bỏ ra. Sau khi hầm được xây xong và nạp phân và cho ga thì 10 hộ dân ở đây rất vui. Họ vui vì từ nay không phải chung sống với mùi ô nhiễm, không phải lo đi kiếm chất đốt từ rừng.
Anh Cháng A Vàng , người Mông đã sở hữu hầm Bioga cho biết, nhà mình nuôi hơn 20 con lợn đủ dư hầm có khí nên mỗi ngày nhà tôi không phải sử dụng từ 30 đến 50 kg củi để nấu cơm ăn, nấu cám lợn, nấu nước tắm và mỗi khi bưng bát cơm lên ăn không con phải chịu mùi hôi nữa. Cả bản này giờ sạch sẽ và được công nhận là bản Bản hoá của huyện. Nhờ có hầm khí mà mỗi ngày bản này bớt đi kiếm 500 kg củi từ rừng, vậy là rừng bớt lo bị phá…
Từ mô hình này huyện Yên minh đã nhân rộng ra được hơn 300 họ dân ở bản Nà Tèn, Bản Dược(xã Yên Minh) và các trang trại phát triển chăn nuôi trong huyện. Những bản đã sử dụng hầm khí Biôgas ở Hà Giang đều thấy rõ: hầm khí Biôgas ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cho người sử dụng còn đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế nạn phá rừng lấy củi, giải phóng được sức lao động…Từ những tiện ích và kinh tế đó nên nhiều hộ dân ở thị xã Hà Giang, huyện Bắc Mê, huyện Vị Xuyên cũng đang xây dựng hầm khí Biogas để sử dụng…/.