ThienNhien.Net – Ngày 15/05/2009, trong cuộc gặp mặt tại khu rừng Gola của Serra Leone, tổng thống hai nước cộng hòa Sierra Leone và Liberia đã chính thức thông báo về dự án thành lập Khu Bảo tồn xuyên biên giới Hòa Bình, góp phần bảo vệ một trong những cánh rừng nguyên sinh lớn nhất còn lại trong vùng Thượng Ghi-nê, phía Tây Châu Phi.
Dự án bảo tồn xuyên biên giới…
Khu Bảo tồn Hòa bình là kết quả sát nhập giữa Khu Bảo tồn rừng Gola ở Sierra Leone (75 000 ha) cùng hai khu bảo tồn rừng Lofa và Foya thuộc Liberia (diện tích tương ứng khoảng 80 000 ha và 10 000 ha), được nối liền bởi một khu rừng phụ cận đóng vai trò là hành lang cho động vật di chuyển.
Dự án được coi là biểu tượng cho cam kết mới giữa Sierra Leone và Liberia về hòa bình, ổn định và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực này đã nhận được sự đồng tình của các cộng đồng địa phương khắp Sierra Leone.
Khu Bảo tồn Hòa bình được thành lập với nỗ lực chung của các tổ chức thuộc Hiệp hội Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife International Partnership), hai cộng sự của Tổ chức Bảo tồn Chim (BirdLife) ở hai quốc gia – Hội Bảo tồn Thiên nhiên Sierra Leone và Hội Bảo tồn Thiên nhiên Liberia cùng Tổ chức Bảo tồn Chim Vương quốc Anh, Tổ chức Bảo tồn chim Hà Lan, Ủy ban Phát triển Rừng Liberia và Ủy ban Lâm nghiệp Sierra Leone.
Hiệp hội Bảo tồn Chim Quốc tế, một tổ chức từng thực hiện dự án trị giá 4.2 tỷ Euro do Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ môi trường Toàn cầu Pháp (FFEM) tài trợ nhằm bảo tồn rừng Gola của Sierra Leone, đã đảm bảo sẽ có thêm một khoản viện trợ 3.2 triệu Euro nữa từ EU cho dự án kéo dài 4 năm nhằm xây dựng khu bảo tồn rộng 200 000 ha này cùng với Quỹ Bảo vệ Môi sinh (CEPF), Chương trình Phát triển khu vực Tây Phi vì Môi trường bền vững (STEWARD), Chương trình của Cơ quan hỗ trợ phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) và các chương trình quốc tế của Bộ Lâm Nghiệp Hoa Kỳ.
… bảo vệ một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới
Hệ sinh thái rừng vùng Thượng Ghi-nê, kéo dài từ Ghi-nê đến Togo, là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới. Tuy nhiên, sự tác động của con người trong nhiều thế kỷ đã khiến hơn 70% diện tích rừng, ước tính tương đương với 420,000 km2 diện tích rừng bị phá hủy. Phần còn lại của khu rừng bị phân nhỏ, thu hẹp môi trường sống thành từng mảng cô lập, đe dọa các quần thể động thực vật đặc hữu.
Trong số 240-250 loài chim hiện đang sinh sống trong khu vực, có đến hơn 25 loài đang bị đe dọa hoặc đang bị suy giảm số lượng. Bốn loài chim bao gồm cả gà Nhật ngực trắng (Agelastes meleagrides) và Chim hói đầu cổ trắng (Picathartes gymnocephalus), hai loài được đưa vào danh sách Sắp nguy cấp của Sách Đỏ, đã bị thu hẹp môi trường sống tới tận cùng vùng rìa phía tây của rừng Thượng Ghi-nê. Vùng này sẽ nằm trong phạm vi bảo tồn của Khu Bảo tồn xuyên biên giới Hòa Bình.
Khu rừng Thượng Ghi-nê này còn là nơi cư trú của hơn 50 loài động vật có vú như voi rừng Loxodonta cyclotis, hà mã nước Choeropsis Liberiensis và 10 loài linh trưởng, bao gồm cả tinh tinh Pan trolodytes vốn đang bị đe dọa.
Các khu rừng này cung cấp những dịch vụ sinh thái quan trọng cho địa phương, quốc gia và cả khu vực như gỗ, các loại lâm sản ngoài gỗ, thảo dược, nguồn trữ nước; đồng thời giúp chống sói mòn, thiên tai, mang lại điều kiện khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và làm giảm biến đổi khí hậu.
Rừng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hấp thụ khí carbon. Chính phủ hai nước đã biểu lộ mối quan tâm sâu sắc đối với thương mại carbon và chương trình giảm thiểu phát thải do phá rừng và suy giảm tài nguyên rừng ở các nước đang phát triển (REDD).
Khu Bảo tồn Hòa Bình hứa hẹn mang lại hàng chục triệu USD trong vài thập niên tới, giúp hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn và phát triển cộng đồng.
Việc xây dựng công viên Hòa bình bảo đảm chiến lược lâu dài trong bảo tồn rừng, đa dạng sinh học và lợi ích lưu trữ carbon toàn cầu thông qua các mạng lưới quản lý rừng ở cấp quốc gia và quốc tế dọc biên giới Sierra Leone – Liberia.