ThienNhien.Net – Sự suy thoái môi trường sống, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và hiện tượng biến đổi khí hậu đều đang ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, đặc biệt khi tính đa dạng sinh học của các loài động thực vật dược liệu – một nhánh đa dạng sinh học có ích cho sức khoẻ và cuộc sống của con người dần mất đi. Trước nguy cơ này, ông Jeffrey A. McNeely, Trưởng nhóm Khoa học và bà Sue Mainka, Điều phối viên cấp cao Chương trình Toàn cầu của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), mới đây đã công bố một số biện pháp cần thiết để đảm bảo tương lai đa dạng sinh học của các loài động thực vật dược liệu.
Theo lời của các tác giả, tuy mối quan tâm tới các loài động thực vật dược liệu là khác nhau ở các đối tượng khác nhau, song việc bảo tồn tính đa dạng của các loại thuốc sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Chính vì vậy chúng ta cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo tồn tính đa dạng sinh học của cây thuốc.
Nhìn đa dạng sinh học dưới góc độ sức khoẻ con người có thể cho chúng ta thấy những viễn cảnh mới về bảo tồn, viễn cảnh có thể đưa đa dạng sinh học ra khỏi lĩnh vực đặc thù của các bộ ban ngành về môi trường và lấy bảo tồn làm trọng tâm để nỗ lực giải quyết đói nghèo, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và nhiều thách thức toàn cầu khác.
Chúng ta cần đến một nhóm giải pháp rộng rãi để bảo đảm đa dạng sinh học của các loài động thực vật dược liệu ở mọi cấp, từ quốc gia đến quốc tế, và ở mọi đối tượng liên quan. Các điều khoản thuộc Công ước Đa dạng sinh học (CBD) về việc sử dụng đa dạng sinh học dược liệu một cách bền vững cần được hỗ trợ thực hiện cùng với những hiệp định khác về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Buôn bán các loài Động thực vật hoang dã (CITES) đề cập đến các loài động vật có thể dùng làm thuốc (như tê giác, hổ) và thực vật (như xương rồng Hoodia, cây móc voi).
Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rất sâu rộng tới sức khoẻ con người cũng như đa dạng sinh học và cả hai vấn đề này cần được giải quyết theo Hiệp ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc. Cho tới thời điểm này, các vấn đề về sức khoẻ vẫn chưa được các bên tham gia Hiệp ước về khí hậu quan tâm đầy đủ. Hơn nữa, các hành động thuộc một Hiệp ước cần được tiến hành và xây dựng phù hợp với những hành động thuộc các công ước khác.
Vượt ra khỏi địa hạt quản lý môi trường, sức khỏe và đa dạng sinh học cần nhìn nhận trong sự hợp tác phát triển ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Tất cả các hoạt động phát triển cần nhận thức được và hỗ trợ vai trò của các dịch vụ sinh thái nhằm hướng tới một sự phát triển bền vững.
Hệ sinh thái cần được bảo vệ trước những hoạt động của con người cho đến khi con người nhận thức rõ tất cả các nguy cơ ảnh hưởng. Tuyệt đối tránh việc chia nhỏ và phá huỷ môi trường sống trên mặt đất, điều kiện có thể khiến dịch bệnh lan tràn. Những đề án khai thác tài nguyên như lâm sản hay khoáng sản và phát triển nơi định cư của con người ở những môi trường sống trước kia chưa bị ảnh hưởng cũng cần cân nhắc về độ rủi ro bệnh tật đang ngày càng tăng.
Kinh nghiệm cho thấy việc ngăn chặn sự xâm lấn của các loài có nguy cơ gây hại sẽ ít tốn kém hơn những nỗ lực xử lý khi các loài này đã ổn định và đe doạ tới đa dạng sinh học cũng như sức khoẻ con người.
Công tác kiểm soát sức khoẻ con người và động thực vật đã được xây dựng nhưng cần được tiến hành hiệu quả hơn. Tổ chức Thương mại Thế giới cần hợp tác với Uỷ ban Công ước Đa dạng Sinh học và Tổ chức Y tế thế giới cùng giải quyết các vấn đề về các loài xâm lấn có hại đối với sức khoẻ con người và đa dạng sinh học.
Ở cấp quốc gia, chính phủ cần điều phối các hoạt động của các cơ quan chịu trách nhiệm về sức khoẻ con người, sức khoẻ động thực vật, giao thông vận tải, du lịch, thương mại, bảo tồn, quản lý động vật hoang dã, cấp nước và các lĩnh vực có liên quan khác.
Các khu bảo tồn có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo vệ các loài động thực vật dược liệu, chính vì thế cần nhận biết một cách rõ ràng các loài dược liệu có trong khu bảo tồn, xác định phân loài, số lượng đồng thời giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của chúng. Hệ thống các khu bảo tồn quốc gia có thể giúp bảo vệ môi trường sống của các loài cây dược liệu đồng thời là phương tiện để thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như duy trì các chức năng sinh thái của chúng. Hầu như tất cả các quốc gia đều đã có khu bảo tồn nhưng hệ thống này cần được mở rộng và quản lý một cách hiệu quả hơn để phát huy vai trò bảo vệ đa dạng sinh học và sức khoẻ con người.
Người dân bản địa đã xác định được hầu hết các loài động thực vật có thể dùng làm thuốc thuộc khu vực sinh sống của họ và nhiều người vẫn dựa vào các loài này để chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, kiến thức lâu đời được truyền từ đời này sang đời khác lại dễ bị mai một hơn đa dạng sinh học. Chính vì vậy chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo tồn cả tính đa dạng sinh học dược liệu cũng như hiểu biết văn hoá. Trọng tâm của vấn đề này là thực thi các điều khoản thuộc Công ước về Đa dạng sinh học để tiếp cận các nguồn gien và chia sẻ lợi ích.
Các nhóm đối tượng có liên quan khác nhau sẽ có mối quan tâm khác nhau đối với các loại động thực vật có khả năng làm thuốc. Những người quan tâm tới bảo tồn thiên thiên tập trung vào việc bảo vệ môi trường sống, khai thác động thực vật hoang dã một cách bền vững, kiểm soát hoạt mua bán một cách hợp lý... Những đối tượng có mối quan tâm về xã hội muốn những hiểu biết lâu đời được công nhận và muốn có thu nhập bền vững cho nông dân. Những đối tượng quan tâm tới kinh tế sẽ để tâm tới những tiêu chuẩn chất lượng và thương mại có lợi nhuận. Quản lý được những mối quan tâm lợi ích đôi khi xung đột với nhau này là một thách thức lớn trong tương lai nhưng việc bảo tồn đa dạng sinh học các loài động thực vật dược liệu là mối quan tâm chung của nhân loại.
Có nhiều bệnh lây nhiễm mới liên tục xuất hiện và những liệu pháp điều trị các loại bệnh này thường xuất phát từ thiên nhiên. Tuy nhiên, chỉ khi đủ khả năng để bảo tồn toàn bộ tính đa dạng của các nguồn gien, chúng ta mới có thể sử dụng các liệu pháp điều trị đó khi cần.