Doanh nghiệp cần quan tâm nguy cơ thiếu nước

ThienNhien.Net – Nước đang trở nên khan hiếm và thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty và các ngành công nghiệp. Một báo cáo mới đây nói rằng các công ty cần phải nhìn nhận vấn đề về nước một cách đầy đủ, hơn là chỉ quan tâm rằng mình đang sử dụng trực tiếp bao nhiêu nước, và cần xem xét về nhu cầu nước của họ từ khâu lấy nguyên liệu thô cho đến khâu tạo thành sản phẩm và tiêu hủy.

Báo cáo “Sự khan hiếm nước và biến đổi khí hậu” do CERES – một liên hiệp của các nhà đầu tư và các tổ chức môi trường – phối hợp với Viện Thái Bình Dương (Pacific Institute) xây dựng cho biết hai tổ chức này đang cố gắng giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiểu hơn về việc sử dụng nước bằng cách giải thích những nguy cơ liên quan đến nước, các trường hợp mà các công ty có thể bị thiệt hại do sự quản lý sử dụng nước yếu kém và các cơ hội từ các chính sách đang thay đổi về nước.

Biến đổi khí hậu đang làm tăng thêm sự khan hiếm nước trên thế giới. Các khu vực trong lịch sử đã vốn có ít nước đang chịu tình trạng thiếu nước và hạn hán trầm trọng hơn trước, và các khu vực đã từng có những nguồn nước tốt hơn hiện giờ cũng đã cảm thấy có sự khó khăn.

Những sự thiếu thốn nói trên, cả trên thực tế cũng như trong khả năng có thể xảy ra, đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp hoặc cả ngành công nghiệp, và đặt ra những đe dọa lớn hơn đối với một số lĩnh vực thiết yếu. Vấn đề không chỉ nằm ở lượng nước dùng mà còn ở chất lượng nước và giá cả.

Nước là nhân tố thiết yếu để làm mát các nhà máy thủy điện, và khi mà lượng nước giảm xuống và giá nước tăng lên thì hoạt động sản xuất của các nhà máy này bị cắt giảm. Các nước Pháp, Đức và Tây Ban Nha đều đã phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân do sóng nhiệt và mức nước thấp. Còn các nhà máy điện mới ở Mỹ thì đang phải đối mặt với việc phải kiểm tra lại cẩn thận xem họ có thể sử dụng bao nhiêu nước.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang tiêu thụ một lượng lớn nước, với riêng Intel và Texas Instruments trong năm 2007 tổng cộng đã sử dụng hết gần 42 tỉ lít nước để làm các con chip silicon. Mười một trong số 14 nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới thì hiện đang nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi đang phải đối mặt với một số nguy cơ về nước.

Các công ty sản xuất đồ uống cũng đang phải chịu nhiều áp lực hơn, ví dụ như khi các nhà sản xuất chai của Coca-Cola và PepsiCo ở Ấn Độ đã bị tước giấy phép sản xuất do ảnh hưởng đến nguồn nước tại địa phương, và Nestle Waters đang vật lộn suốt năm năm nay với dự án xây dựng nhà máy sản xuất chai lớn nhất ở California, một bang đang trong giai đoạn hạn hán tồi tệ nhất.

Báo cáo cho rằng điều cần thiết đối với các ngành là phải tìm hiểu rõ hơn cách thức các công ty sử dụng nước ra sao và họ có thể làm gì để giảm bớt sử dụng nước, cắt giảm nước thải, sử dụng các vật liệu đòi hỏi ít nước hơn và tạo ra các sản phẩm cần sử dụng ít nước hơn trong suốt thời gian tồn tại của chúng.
“Bản thân các công ty cần phải làm tốt hơn việc xác định xem họ cần dùng bao nhiêu nước và khi nào thì cần dùng,” ông Peter Gleick, đến từ Viện nghiên cứu Thái Bình Dương và là tác giả chính của nghiên cứu này, phát biểu.

Trong số 120 công ty được khảo sát, hơn 90% có số liệu báo cáo về lượng nước sử dụng nhưng chỉ có 20% thực sự nhìn vào những nguy cơ thực tế, và chỉ có 10% tìm hiểu về các nguy cơ trong chuỗi cung ứng nước. Không một công ty nào đề cập đến thuật ngữ “biến đổi khí hậu” khi nói đến vấn đề nước.

Báo cáo khuyến nghị rằng các công ty cần phải đo lượng nước sử dụng, đánh giá tất cả các nguy cơ (về vật lý, chất lượng và mức độ thường xuyên), mời các bên liên quan chính tham gia, đưa vấn đề sử dụng nước vào kế hoạch kinh doanh và quản trị, và công khai các vấn đề cũng như các nguy cơ trong sử dụng nước.
Thêm vào đó, báo cáo còn đưa ra danh sách những lĩnh vực mà các nhà đầu tư nên hỏi các công ty để hiểu về các nguy cơ và cơ hội mà họ có về vấn đề sử dụng nước, trong đó có năng lượng, may mặc, công nghệ sinh học/dược phẩm, sản xuất các sản phẩm từ rừng và khai quặng/khai mỏ.