ThienNhien.Net – Mực nước biển gia tăng do biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề lên các quốc đảo phía Nam Thái Bình Dương, dẫn đến việc hình thành nhóm người di cư vì biến đổi khí hậu.
Người dân tại một số vùng thuộc New Guinea và Tuvalu đã buộc phải rời khỏi những vùng trũng thấp.
Chính phủ New Zealand đồng ý tiếp nhận luồng nhập cư từ Tuvalu, quốc đảo mà theo các chuyên gia dự đoán, sẽ bị chìm hoàn toàn vào giữa thế kỷ này. Canada đang gây quỹ tái định cư cho các cư dân từ Vanuatu do ảnh hưởng của hiệu ứng ấm lên toàn cầu.
Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối Thịnh vượng của Úc trong một báo cáo gần đây đã cảnh báo rằng khu vực Thái Bình Dương đặc biệt dễ tổn thương.
Báo cáo cũng cảnh báo tình trạng ngập lụt ở các cộng đồng ven biển do mực nước biển dâng, các vùng đất ngập nước và các rặng san hô đang bị tẩy trắng. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu cũng làm dịch bệnh và tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến nhiệt độ gia tăng.
Theo Diane McFadzien, điều phối viên Chương trình Biến đổi Khí hậu Khu vực Nam Thái Bình Dương của Quỹ Động vật Hoang dã: “Các cộng đồng trên khắp Thái Bình Dương đã được báo động về sự xói mòn ven biển và mực nước biển dâng. Chúng tôi đã thấy những dấu hiệu cho thấy phải tái định cư toàn bộ các ngôi làng tại đây do ảnh hưởng của hiện tượng xói mòn.”
Các đảo ở Thái Bình Dương bao gồm 22 quốc gia với 7 triệu dân số.
Nước biển dâng và bờ biển bị xói mòn buộc người dân các đảo Carteret, cách Đông Bắc Papua New Guinea 70 dặm, phải di cư. 2500 cư dân của đảo này đang chuyển đến Bougainville, một trong những thành phố lớn hơn của Papua New Guinea.
Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng đang tăng về tần suất và tính chất trong những năm gần đây tại Papua New Guinea. Điển hình, đợt lũ quét tại tỉnh Oro tháng 11 năm 2007 đã làm 70 người thiệt mạng và phá hủy tất cả các cầu đường nơi đây.
Tại Ấn Độ Dương, quần đảo Maldives bao gồm 1.200 hòn đảo và đảo san hô vòng, cách mặt nước biển 6 feet, lâu nay là điểm đến yêu thích của những chuyến trăng mật của các cặp uyên ương. Song Hội nghị Khí hậu Quốc tế tại Copenhagen tháng 2/2009 đã dự báo rằng tới năm 2100, biển sẽ nuốt chửng hầu hết hoặc tất cả các đảo.