ThienNhien.Net – Việc phá rừng mưa của Indonesia để lấy đất trồng dừa đang gây ra những hậu quả sâu sắc: đe doạ những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, đảo lộn cuộc sống của người dân bản địa, và thải ra một lượng khổng lồ các-bon đi-ô-xít vào khí quyển.
Cách đây không lâu, năng lượng sinh học đã được ca ngợi như một giấc mơ xanh trở thành hiện thực. Đó là một cách giúp đốt cháy ít nhiên liệu lấy từ lòng đất hơn và giảm lượng các-bon được thải ra.
Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng việc sản xuất năng lượng sinh học – đặc biệt năng lượng sinh học có nguồn gốc từ cây lương thực như ngô và cọ dầu – có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích cho trái đất. Những năng lượng này thực sự đang làm gia tăng lượng khí nhà kính và đẩy giá cả thực phẩm trên toàn thế giới lên cao.
Có thể thấy rõ nhất cái giá phải trả cho việc tàn phá rừng mưa ở Indonesia là môi trường bị huỷ hoại một cách đáng kinh ngạc và gây nên những tổn thất to lớn về đa dạng sinh học. Nơi đây những khu rừng nhiệt đới đã bị xoá sổ trên qui mô lớn, nhường chỗ cho những đồn điền trồng cọ dầu.
Trên thế giới, chỉ còn rừng Amazon ở Nam Mỹ và vùng bồn địa Công-gô ở Châu Phi là còn nhiều diện tích rừng nhiệt đới hơn ở Indonesia. Nhưng thực tế là ngày nay cả ba khu vực này đều đang diễn ra sự biến mất của những khu rừng mưa với tốc độ đáng báo động.
Trong ba năm qua, những nhà nghiên cứu của Hiệp hội Động vật học London đã cất công tìm kiếm những con hổ, những con báo hoa và những loài thú quí hiếm khác ở các khu đồn điền trồng cọ dầu ở Sumatra nhưng rốt cuộc họ chẳng thu được gì.
Sumatra với diện tích gần bằng California, là vùng đất lớn thứ sáu trên thế giới. Nơi đây là ngôi nhà của gần 400 con hổ Sumatra, còn sót lại từ hơn 1000 con hổ sống ở đây trong những năm 80. Không những thế, số liệu về số lượng loài hổ ngày nay cũng được ghi chép rất sơ sài. Nhưng người ta tin rằng loài hổ đã mất đi tới 80% môi trường sống tự nhiên của chúng trong thế kỷ qua, khiển loài này chỉ còn là những quần thể nhỏ sống rải rác trong những ốc đảo rừng đang ngày càng bị co hẹp.
Giống như hổ, loài đười ươi chỉ được tìm thấy ở Sumatra và Borneo cũng đang dần co cụm lại thành những nhóm nhỏ với số lượng rất ít khi những khu rừng mưa bị phá huỷ. Nhưng vì hiện nay vẫn còn khá nhiều đười ươi, khoảng 45,000 đến 69,000 con ở Borneo và 7,300 con ở Sumatra nên trước mắt chúng chưa bị đe dọa tuyệt chủng.
Các nhà nghiên cứu đã lưu ý trong bản báo cáo rằng: “Nếu như được phát triển một các có trách nhiệm, thì cọ dầu có thể thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế mà không biến những hệ sinh học quan trọng nhất của trái đất thành những hoang mạc”. Nhưng họ cũng cảnh báo: “Đó là một chữ ‘nếu’ rất khó khăn. Phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo trách nhiệm với môi trường thực sự là một thách thức”.
Theo số liệu riêng của Indonesia, đã có tới 9,4 triệu mẫu Anh (3,76 triệu hecta) rừng được thay thế bởi đồn điền trồng cọ dầu từ năm 1996. Như vậy mỗi ngày nơi đây mất đi 2000 mẫu (800 hecta) rừng, hay cứ mỗi phút mất đi một diện tích bằng lớn bằng một sân bóng đá.
Stephen Brend, một nhà động vật học đồng thời là nhà bảo tồn làm việc tại Quỹ bảo tồn linh trưởng ở London nói: “Đây không đơn giản chỉ là việc dọn cỏ trong vườn nhà hay chuyển một nhà máy ra vùng ngoại ô. Mà nó khiến tất cả mọi thứ đều thay đổi đến tận cùng. Tất cả những lợi ích về mổi trường mà khu rừng mang lại cũng như là vẻ đẹp của nó cũng đều biến mất”.
Nhiều người đã hi vọng rằng khi tân Tổng thống của Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono, lên nhậm chức vào tháng 10 năm 2004, thì kỉ nguyên đốn rừng để lấy đất trồng cọ dầu sẽ đi đến hồi kết. Song giới khoa học thì tỏ ra hoài nghi vì cho rằng: “Những người giàu nhất ở Indonesia chính là những người chủ của các đồn điền trồng cây cọ dầu, vì thế tham nhũng và ô dù hẳn có mối liên hệ với giới quyền lực”.
Thậm chí nếu như việc trồng cọ dầu này có kết thúc vào ngày mai, thì cũng đã quá muộn đối với những người dân Kubu ở Sumatra. Khu rừng mưa trước kia cung cấp nguồn lương thực trù phú cho họ nay đã bị những đồn điền trồng cọ dầu vắt cạn đến xác xơ. Ở thủ đô Jakarta, câu chuyện của những người dân làng Kubu đã được kể lại.
Art Klassen, Giám đốc khu vực của Quỹ tài trợ rừng nhiệt đới – một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ hoạt động dựa trên nghiên cứu khoa học, tỏ ra không hề ngạc nhiên: “Cọ dầu đã xâm chiếm hoàn toàn vùng đất này và chèn ép những người dân địa phương. Người dân trở thành thứ yếu. Vể cơ bản họ trở thành những công nhân phụ thuộc vào ngành công nghiệp cọ dầu. Không còn bất kì cơ hội làm kinh tế nào khác cho họ.”
Những nhà hoạt động vì môi trường hiện phản đối dữ dội việc trồng cọ dầu. Họ cho rằng: “Dầu cọ là kẻ giết chết những khu rừng nhiệt đới và môi sinh”. Có lẽ loại năng lượng sinh học đó có thể giúp làm giảm lượng các-bon thải ra, song các nhà khoa học lại cảnh báo rằng việc lao vào sản xuất năng lượng sinh học đã khiến người ta quên mất rằng cần phải nhìn về tương lai phía trước.
Cái gì sẽ tạo ra loại năng lượng sinh học tốt nhất? Một loại cỏ biến đổỉ gen? Những hạt đỗ tương? Hạt hoa hướng dương? Tảo? Vẫn đề gây tranh cãi đó vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: những nguyên liệu thô cho năng lượng sinh học không nên trồng trong những đồn điền mà trước đó là những khu rừng nhiệt đới, ngôi nhà của các loài thực vật, côn trùng, chim muông, và các loài động vật khác trên trái đất.