ThienNhien.Net – Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế, rất nhiều loài chim đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. 1.227 loài (chiếm 12%) được xếp vào loại đang bị đe doạ trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu công tác bảo tồn diễn ra kịp thời và hiệu quả, những loài này có thể được cứu sống.
Loài quý hiếm đang trở nên cực kỳ hiếm
Theo Sách Đỏ được hiệu chỉnh hàng năm của Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế, hiện tại có tới 192 loài chim đang bị đe doạ ở mức cao nhất – mức cực kì nguy cấp, gấp đôi số lượng thống kê năm 2008.
Loài chim ruồi cổ xanh (Eriocnemis isabellae), mới được phát hiện gần đây ở Colombia, được báo động ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ. Chim ruồi, một loại chim nhiều màu sặc sỡ, chỉ còn lại 1.200 ha diện tích cư trú trong vùng rừng sương mù thuộc dãy Piche, phía tây nam Colombia và mỗi năm, 8% diện tích trong số này bị tàn phá để trồng cacao.
Loài Sơn ca Sidamo (Heteromirafra sidamoensis) ở vùng đồng bằng Liben của Ethiopia cũng xuất hiện trong danh sách trên do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, và đang trong tình trạng bị đe doạ, có thể trở thành loài chim đầu tiên bị tuyệt chủng ở Châu Phi.
Trùng với lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Darwin, một loài trong họ chim sẻ đảo Galapagos, chim sẻ Camarhynchus pauper cũng được đưa vào danh cực kỳ nguy cấp một phần do một loại ruồi ký sinh gây hại.
Về tình trạng này Simon Stuart, Chủ tịch Uỷ ban Cứu trợ loài của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) Quốc tế phát biểu: “Mặc dù có rất nhiều sáng kiến bảo tồn thành công trên toàn thế giới, số lượng các loài chim trong tình trạng cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ vẫn tiếp tục gia tăng.
Số lượng các loài chim thông thường giảm sút
Không chỉ những loài chim quý hiếm đang trở nên hiếm hơn, số lượng các loài chim thông thường cũng đang giảm dần. Ở phía đông Nam Mỹ, loài chim én Chaetura pelagica đang nhanh chóng biến mất trên bầu trời. Sau khi giảm sút đến 30% số lượng ở thập kỷ trước, loài chim này đã được xếp vào tình trạng sắp bị đe doạ trong Sách Đỏ.
Theo Jez Bird, cán bộ Chương trình Bảo tồn Chim Toàn cầu ở Châu Phi, các loài chim săn mồi vốn rất phổ biến giờ cũng đang dần biến mất với tốc độ đáng báo động. Những loài điển hình như chim ưng Terathopius ecaudatus và chim ưng Polemaetus bellicosus cũng đã có tên trong Sách Đỏ. Sự giảm sút về mặt số lượng này được phản ánh ở rất nhiều loài trên khắp các lục địa.
Có bảo tồn ắt có thành công
Tuy nhiên tình hình cũng không đến nỗi quá u ám, việc bảo tồn đã phát huy hiệu quả và đạt được rất nhiều thành tựu lớn trong năm nay. Ở Brazil, loài vẹt chàm (Anodorhynchus leari) đã được đưa ra khỏi danh sách cực kỳ nguy cấp. Loài vẹt xanh kỳ lạ này đã tăng số lượng lên gấp bốn lần nhờ rất nhiều nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cùng chính phủ Brazil và người dân địa phương.
Ở New Zealand, loài hải âu Pterodroma axillaris cũng được cứu trợ nhờ những chương trình hành động của Uỷ ban Bảo tồn Thiên nhiên của nước này và đã ra khỏi danh sách các loài cực kỳ nguy cấp. Loài rồng rộc Foudia rubra cũng đã được cứu thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng sau khi chúng được di chuyển đến một hòn đảo ngoài khơi.
“Sách Đỏ là một tiêu chuẩn toàn cầu dùng để đánh giá số lượng các loài bị suy giảm vì vậy chúng tôi mong muốn Chính phủ các nước theo dõi thông tin trong đó một cách nghiêm túc và cố gắng hết sức để bảo vệ các loài chim trên thế giới.” (Simon Stuart, Chủ tịch Uỷ ban Cứu trợ loài, IUCN) |
Những công việc tương tự đang được Tổ chức Bảo tồn Chim Hoang dã tiến hành trong Chương trình Ngăn chặn Tuyệt chủng đối với 32 loài trong tình trạng cực kỳ nguy cấp.
Theo Tiến sĩ Stuart Butchart, Trung tâm Ngiên Cứu và Điều phối Bảo tồn Chim Toàn cầu, hải âu và loài rồng rộc chi Foudia đang bị tấn công bởi những loài xâm lấn và Tổ chức Bảo Tồn Chim Quốc tế đã xác định rằng giải quyết vấn đề này là một trong 10 hành động then chốt để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài chim trong tương lai. Những sự thay đổi trong Sách Đỏ năm nay cho thấy chúng ta vẫn có thể cải thiện được tình hình, chỉ cần có ý chí hành động và nguồn lực hỗ trợ.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Leon Bennun, giám đốc Khoa học và Chính sách của Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế cho biết: “Tình hình đang diễn biến xấu hơn trên toàn cầu, nhưng trong năm nay, công tác bảo tồn đã đạt được nhiều thành công giúp chúng ta có cái nhìn lạc quan hơn về tương lai.”