ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Anh mới đây cho biết các tầng nước ngầm nằm sâu dưới lòng đất đã cất giữ CO2 một cách an toàn trong hàng triệu năm qua và có thể một ngày nào đó chúng sẽ giúp hấp thụ khí thải nhà kính, làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Theo ông Chris Ballentine, nhà khoa học thuộc Đại học Manchester, người thực hiện nghiên cứu này, thì việc phát hiện ra cách thức hấp thụ và lưu trữ các-bon có thể giúp các nhà khoa học tìm ra một khu vực có địa chất thích hợp để lưu trữ khí nhà kính trong tương lai.
Việc xác định các hệ thống mạch nước ngầm cổ xưa nằm sâu hàng nghìn mét dưới mặt đất là nhằm đảm bảo rằng khí gas sẽ không bị thoát trở lại mặt đất và phát thải vào không khí.
Rõ ràng là nhân loại muốn chôn CO2 vào lòng đất và nghiên cứu này không phải là một sáng kiến. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là khi nào chúng ta sẽ chôn CO2 vào lòng đất và liệu điều đó có an toàn không?
Cả thế giới đang trông chờ việc hạn chế lượng khí thải nhà kính như CO2, khi các nhà khoa học khí tượng cảnh báo rằng lượng khí thải toàn cầu đang gia tăng sẽ làm cho nhiệt độ trái đất và mực nước biển tăng lên, gây ra hạn hán, lũ lụt, sóng từ và các cơn bão ngày càng mạnh hơn.
Nhiều chính phủ nhìn nhận việc hấp thụ và lưu trữ các-bon là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu bởi vì nó có thể giúp hấp thụ lượng khí thải từ các nhà máy nhiệt điện và chôn sâu dưới mặt đất. Quá trình này có thể giúp chúng ta giảm đi một phần ba lượng khí phát thải vào không khí.
Tuy nhiên, công nghệ này chưa được thử nghiệm với qui mô thương mại và ban đầu chi phí tiến hành sẽ rất đắt, khoảng 1 tỉ euro cho mỗi nhà máy phát điện, và điều đó khó thu hút các công ty tư nhân đầu tư nếu không nhận được một sự hỗ trợ nào.
Ballentine và các cộng sự của ông đã phân tích cách hòa tan của CO2 vào trong nước và sử dụng công nghệ khác để xem xét liệu nó có tác động trở lại đến những rặng núi đá ở chín mỏ dầu tự nhiên nằm ở khu vực Bắc Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu nơi chứa đầy khí nhà kính đã được tích tụ từ hàng nghìn hay hàng triệu năm về trước sau những trận núi lửa phun trào hay không.
Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy mạch nước ngầm là những bể chìm lưu giữ các-bon chủ yếu trong những khu vực đó và chúng đã được hình thành từ hàng triệu năm trước, hứa hẹn trở thành một một khu lưu giữ khí nhà kính rộng lớn trong tương lai.
Trong khi nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng một số dãy đá lưu giữ các-bon bên dưới, thì nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature này lại kết luận rằng hầu hết các dãy núi đá không lưu trữ lượng khí thải nhà kính mà chính nước đã lưu giữ chúng một cách an toàn.
Stuart Gilfillan thuộc Đại học Edinburgh, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, phát biểu: “Những nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh một cách rõ ràng rằng CO2 đã được lưu trữ một cách tự nhiên và an toàn ở dưới mạch nước ngầm tại những khu vực khảo sát. Bằng cách hết hợp hai công nghệ, chúng ta lần đầu tiên đã có thể xác định một cách chính xác khu vực lưu giữ CO2”.