ThienNhien.Net – Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã thành công trong việc phát triển một số kỹ thuật khảo sát dùng đồng vị phóng xạ đánh dấu, phục vụ công nghệ khai thác dầu tại các mỏ trên thềm lục địa Việt Nam.
Trước đây, công nghệ khai thác dầu khí với phương pháp truyền thống bơm nước vào mỏ để duy trì áp suất vỉa và đẩy dầu về vùng khai thác. Kiểm soát bơm ép nước và hạn chế ngập nước trong giếng khai thác là việc làm rất khó đối với các Công ty khai thác.
Phòng thí nghiệm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt ) ứng dụng phương pháp đồng vị phóng xạ để đánh dấu khảo sát quá trình công nghiệp, nghĩa là kỹ thuật soi, dùng tia phóng xạ truyền qua lấp hình ảnh, một số kỹ thuật phân tích trực tiếp trên vật mẫu…
Gần đây, phương pháp đánh dấu đồng vị phóng xạ được ứng dụng trong khai thác dầu khí để theo dõi sự di chuyển của nước bơm ép trong mỏ, chẩn đoán tối ưu hóa các quá trình công nghệ nhằm góp phần đảm bảo chất lượng, an toàn trong sản xuất và đời sống.
Công nghệ trên được Công ty Khai thác dầu khí Việt Nam và quốc tế sử dụng khai thác trên thềm lục địa Việt Nam tại mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông… nhằm tăng cường hiệu quả khai thác.
Tiếp đó, Phòng thí nghiệm của Viện đã trúng thầu quốc tế, trị giá hợp đồng hơn 0,5 triệu USD trên mỏ Sư Tử đen trước nhiều Công ty khảo sát lớn đến từ các nước Anh, Mỹ, Na Uy. Đó chính là một bằng chứng về ý nghĩa khoa học và giá trị kinh trị kinh tế của công nghệ mới này.
Từ đó Phòng thí nghiệm của Viện đã tham gia vào các ‘sân chơi lớn’ trên thế giới như Chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Hiệp hội kỹ sư dầu khí Quốc tế SPE, Hiệp định Hợp tác kỹ thuật Vùng Châu Á Thái Bình Dương, Hợp tác với Tracer Technoiogies International của Hoa Kỳ.
Để có được kết quả đó, các cán bộ trong phòng đã phải tự bỏ kinh phí đi học tập ở nước ngoài, mời chuyên gia các nước sang giúp đỡ về chuyên môn, tự mua thiết bị nghiên cứu, tự trả lương cho cán bộ khoa học ngoài biên chế.
Đến nay, với thành công nghiên cứu ứng dụng, các nhà khoa học đã ký được nhiều hợp đồng giá trị lên tới 13 tỷ đồng, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước hàng tỷ đồng, đóng góp trên 70% tổng doanh thu của Viện Nghiên cứu hạt nhân.
TS Nguyễn Hữu Quang – Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt – cho biết: Với phương châm ‘Lao động sáng tạo, phấn đấu không mệt mỏi, sử dụng các nguồn kinh phí, tích cực nghiên cứu khoa học”, Phòng thí nghiệm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đã nâng cao trình độ, thiết bị Phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn thế giới, tham gia vào dịch vụ kỹ thuật Quốc tế, mở rộng thị trường, ứng dụng trên các mỏ ngoài lãnh thổ Việt Nam.
“Máy lấy mẫu trên dầu giếng” là sản phẩm mới thiết kế, chế tạo đạt chứng chỉ quốc tế được nhiều Công ty dầu khí đánh giá cao và có kế hoạch lắp đặt trên các giàn khoan ngoài biển.
Ngoài ứng dụng trong dầu khí, các nhà khoa học còn nghiên cứu phát triển ứng dụng trong các ngành công nghiệp khai thác: hóa chất, xây dựng, vật liệu, năng lượng… hợp tác với các trường đại học, tổ chức đào tạo truyền bá kiến thức về khoa học công nghệ hạt nhân tạo ra thị trường ứng dụng lâu dài. Đồng thời, Phòng cũng sẽ mở thêm hướng nghiên cứu “Địa vật lý hạt nhân” nhằm phục vụ công nghiệp thăm dò khai thác dầu khí, khai khoáng.