ThienNhien.Net – Theo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), để bảo tồn các loài linh trưởng ở Vườn một cách hữu hiệu cần tập trung điều tra, đánh giá số lượng quần thể, phân bố, thành phần loài linh trưởng làm cơ sở dữ liệu cho việc giám sát, theo dõi cũng như đề xuất các biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Cần tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ kỹ thuật, kiểm lâm về kỹ thuật điều tra, ghi nhận, giám sát, tổ chức tuần tra thực thi pháp luật có hiệu quả để bảo tồn các loài linh trưởng một cách hiệu quả nhất.
Hạt Kiểm lâm xây dựng các đề xuất, dự án nhỏ, kêu gọi sự hợp tác đầu tư của các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước để tạo nguồn kinh phí bảo tồn các loài linh trưởng, đặc biệt là các loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao. Đồng thời, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật liên quan tới công tác bảo tồn, quản lý bảo vệ linh trưởng đến các tầng lớp nhân dân.
Công tác bảo tồn linh trưởng hiện nay của Vườn quốc gia Bù Gia Mập gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh phí, năng lực quản lý lẫn chính sách bảo tồn rất cần sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, đặc biệt là các hội khoa học, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bình Phước, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế.
Tình trạng săn bắn, bẫy bắt các loài linh trưởng đang diễn ra khá phổ biến bởi người dân sống gần rừng cũng như những thợ săn di cư từ phía Bắc vào. Theo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập, việc săn bắt linh trưởng chủ yếu sử dụng vào làm thuốc (nấu cao khỉ, cu li làm thuốc..), làm cảnh (nuôi nhốt), làm thức ăn, buôn bán trao đổi với các vùng khác. Người dân quanh Vườn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa có trình độ nhận thức, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Việc xây dựng đường tuần tra biên giới phục vụ an ninh quốc phòng đã chia cắt sinh cảnh sống, vùng phân bố, tạo điều kiện thuận lợi cho thợ săn xâm nhập rừng để săn bắn, bẫy bắt động vật rừng nói chung và linh trưởng nói riêng./.