ThienNhien.Net – Tại một khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ, một bộ tộc người da đỏ đã sáng tạo ra một cái bẫy khỉ rất thông minh. Cái bẫy là quả dừa được khoét một lỗ nhỏ vừa đủ để một con khỉ có thể thò tay vào lấy gạo bên trong nhưng lại không thể rút tay ra. Một khi con khỉ đã thò tay vào quả dừa lấy gạo thì chúng không thể vừa rút tay ra và vừa lấy được gạo. Chúng sẽ chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc là bỏ đi để cứu mạng mình, hoặc cố gắng một cách vô ích để vừa rút được tay ra vừa lấy được chút gạo. Người dân bản địa nhận thấy đa số các con khỉ đều chọn cách liều mạng. Con người cũng đang ở tình trạng tương tự với dầu lửa.
Chỉ hơn một thế kỷ trước đây thôi, con người đã háo hức khai thác dầu lửa và sau đó xây dựng cả một nền kinh tế toàn cầu dựa trên dầu lửa. Dầu lửa đã trở thành nguồn nhiên liệu sống còn trong xã hội hiện đại. Mỗi ngày trên thế giới con người tiêu thụ tới hơn 80 triệu thùng dầu. Dầu lửa trở nên phổ biến và được ưa chuộng sử dụng vì giá rẻ, dễ khai thác, lại rất tiện dụng. Nếu một ngày nguồn dầu lửa cạn kiệt, cuộc sống của hơn sáu tỷ rưỡi con người trên trái đất sẽ ra sao?
Cũng giống như câu chuyện con khỉ và quả dừa ở trên, thực chất con người cũng đang sa vào một cái bẫy. Song, con người đã nhanh chóng nhận ra rằng nguồn dầu mỏ sẽ sớm cạn kiệt và cần sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào chất lỏng đen này trước khi quá muộn. Nếu không, con người sẽ phải trả giá đắt.
Ngược dòng thời gian
Các nhà khoa học cho rằng phần lớn lượng dầu mỏ hiện nay được hình thành từ kỷ Jura, khoảng 150 triệu năm trước. Ở kỷ Jura, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc hình thành dầu lửa với nhiều đầm lầy và đại dương, nơi thuận lợi cho các loài động thực vật sinh trưởng. Khi những loài này chết đi, xác của chúng sẽ được phân hủy thành chất hữu cơ. Dần dần các chất này tạo nên những lớp bùn ngăn khí oxy xâm nhập vào lòng đất và điều này khiến thời gian phân hủy xác động vật rút ngắn lại. Dần dần, sự kết hợp của nhiệt độ cao, áp suất lớn cùng với các vi khuẩn kị khí sẽ biến các loài thực vật đã chết thành một chất có màu sáp gọi là kerongen. Sau đó, ở nhiệt độ càng cao, dầu thô và khí ga tự nhiên bắt đầu được hình thành. Hay nói rõ hơn, ở nhiệt độ cao hơn thì sẽ tạo ra khí ga tự nhiên còn ở nhiệt độ thấp hơn thì sẽ tạo ra dầu thô.
Con người đã khám phá ra dầu lửa từ hàng nghìn năm trước đây. Trong suốt thiên niên kỷ vừa qua, dầu lửa đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống: dùng làm nguyên liệu sản xuất các vật liệu không thấm nước, dùng trong y tế, trong xây dựng, và trong chữa trị các vết thương. Đặc biệt, trong chiến tranh, người Ba Tư còn dùng dầu để bôi lên các mũi tên khi bao vây thành Athen năm 480 trước công nguyên.
Theo hai nhà lịch sử Hy Lạp Herodotus và Diodorus Siculus, nhựa đường chiết xuất từ dầu mỏ từng được dùng để làm vữa và các vật liệu chống thấm trong xây dựng các tòa nhà và tường ở thành cổ Babylon. Người Ai Cập cổ đại còn dùng dầu để ướp xác và người châu Mỹ cổ đại thì dùng nhựa đường để gắn kết các công cụ bằng đá.
Từ giữa thế kỷ thứ tư sau công nguyên, các giếng dầu cũng đã bắt đầu được tìm thấy ở Trung Quốc. Đây là nỗ lực đầu tiên của loài người để khai thác loại ”vàng đen” này từ sâu trong lòng đất. Các ống dẫn dầu bằng tre được dùng để khoan các giếng dầu sâu 800m. Dầu này đã từng được dùng làm bay hơi nước biển để lấy muối.
Tử thế kỷ thứ tư cho đến giữa thế kỷ thứ 18, nhiều phát minh liên quan đến dầu lửa đã được các nhà khoa học tạo ra. Một nhà địa chất người Canada đã trưng cất được dầu lửa dùng để thắp đèn lồng và thắp sáng đèn phố trong nhiều thế kỷ. Phát minh này đã thay thế việc dùng dầu cá voi để thắp sáng và việc này cũng giúp bảo tồn loài cá voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Nhưng mãi đến tận giữa và cuối thế kỷ thứ 19 thì dầu mới được dùng phổ biến trên toàn cầu. Đó là vào năm 1859 khi Edwin L.Drake được một doanh nhân Mỹ, ông George Bissel thuê đào giếng dầu đầu tiên ở một thị trấn nhỏ tại bang Pennsylvania, Mỹ. Vào ngày 27 tháng 8 năm đó, ông Edwin đã tìm thấy “vàng đen” ở độ sâu khoảng 21m. Mặc dù chỉ khai thác được 25 thùng dầu mỗi ngày trong những ngày đầu tiên, và cuối năm chỉ khai thác được 15 thùng dầu một ngày, nhưng đây cũng là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong kỷ nguyên khai thác dầu mỏ.
Cũng từ lúc này, những tiến bộ trong khoa học và trong kinh doanh dầu mỏ bắt đầu phát triển và nước Mỹ trở thành nước đầu tầu trong việc khai thác cũng như kinh doanh dầu mỏ. Chỉ trong vòng có 11 năm từ khi giếng dầu đầu tiên được khai thác ở một thị trấn nhỏ bé ở bang Pennsylvanian, Standar Oil, công ty lớn nhất của Mỹ trong ngành dầu khí vào thời điểm đó với số vốn một triệu USD đã được thành lập. Vào năm 1878, Standard Oil đã chiếm tới 90% thị phần nghành lọc dầu ở Mỹ.
Trong những tiếp theo, dầu lửa đã bùng nổ khắp nước Mỹ, từ bang California, bang Texas cho đến bang Oklahoma, và nhiều bang khác nữa. Tuy nhiên, sau khi Thomas Edison phát minh ra đèn điện vào năm 1878, việc sử dụng dầu lửa đã bị suy giảm đôi chút. Ngay vào thời điểm đó, loại bóng đèn thắp bằng dầu từng phổ biến trước đây đã trở nên lỗi thời và nghành dầu lửa đã mất đi rất nhiều lợi nhuận.
Năm 1913, bình minh của nghành ôtô ở Mỹ bắt đầu khi một doanh nhân Mỹ, ông Hery Ford đã phát minh ra dây chuyền sản xuất tự động với sản phẩm đầu tiên là loại ôtô Model T. Với công nghệ mới này, chi phí sản xuất đã được cắt giảm đáng kể và cho phép chiếc xe Model T đến tay hàng triệu người tiêu dùng, giúp người dân có thu nhập trung bình cũng có thế sở hữu một chiếc xe hơi. Năm 1927, 15 triệu chiếc xe Model T đã được sản xuất và công ty Ford Motor đã trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Những phương tiện giao thông được ưa chuộng trước đây như xe ngựa, xe đạp, tàu lửa, thậm chí cả đi bộ đều phải nhường chỗ cho loại phương tiện mới này. Cùng với đó, xăng dầu – một sản phẩm phụ của dầu lửa trở nên rất cần thiết cho sự phát triển của nghành ôtô, và nhu cầu về dầu tăng lên chóng mặt. Việc khai thác dầu mỏ tăng nhanh trên toàn thế giới như ở Iran, Iraq, Coet, Ả Rập Saudi và Venezuela…, những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn.
Giữa thế kỷ 20 là thời đại thực sự của dầu mỏ, mở ra một trang sử mới cho ngành dầu mỏ.
Dầu với thế giới hiện đại
Ngày nay, ngành công nghiệp sản xuất, phân phối, lọc dầu là ngành công nghiệp lớn nhất về mặt doanh thu trên toàn thế giới. Dầu đã có mặt trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Khi nhắc đến dầu người ta thường nghĩ ngay đến gas, loại dầu được dùng để nấu nướng, sưởi ấm ở nhà, và dầu động cơ. Ngoài ra, dầu cũng có nhiều ứng dụng khác. Hầu hết các loại nhựa plastic đều có nguồn gốc từ dầu. Rất nhiều thứ được làm từ nhựa plastic: từ bàn phím máy tính, vỏ bọc máy in, bút, hộp đựng thức ăn, các vật dụng bằng nhựa plastic dùng một lần trong bệnh viện, lốp xe ôtô, tấm thảm lót chân, điện thoại di động, tấm lợp mái nhà… Dầu lửa đều tham gia vào việc sản xuất tất cả các sản phẩm trên, cung cấp hàng hóa tiêu dùng cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Dầu là nhiên liệu cho nhiều loại động cơ như ôtô, máy bay, tàu thủy, tàu hỏa…
Có lẽ không thể so sánh lương thực với dầu lửa. Tuy nhiên, ngành sản xuất nông nghiệp hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ. Các loại máy móc để thu hoạch, vận chuyển các loại ngũ cốc, hoa quả, rau; các loại phân hữu cơ, thuốc trừ sâu được dùng để tăng năng suất đều cần dầu để sản xuất, vận chuyển và vận hành các loại máy móc. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng dựa rất lớn vào việc sử dụng dầu.
Ông Richard Heinberg, một học giả hàng đầu thế giới nghiên cứu về dầu mỏ và là tác giả của cuốn sách: “Khi bữa tiệc tàn: Dầu mỏ, chiến tranh và số phận của xã hội công nghiệp”, đã đặt ra câu hỏi “Lương thực của chúng ta hiện nay đang phụ thuộc như thế nào vào dầu hỏa?” và câu trả lời của chính ông là “Chúng ta phụ thuộc rất rất nhiều thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ.”
Trong một bài báo, ông Ronnie Cummins, chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng cũng bày tỏ mối quan tâm tương tự. Ông nói: “thời đại tăng cường toàn cầu hóa về nguồn cung lương thực sẽ dần dần đi đến hồi kết trong vài thập kỷ tới hoặc xa hơn chút nữa. Và tôi cho rằng sự thiếu hụt dầu mỏ sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt nhập khẩu hàng tỷ USD lương thực từ nước ngoài. Nó cũng có nghĩa là thời kỳ lương thực giá rẻ ở Mỹ sẽ chấm dứt và nạn đói cũng như nạn suy dinh dưỡng sẽ tăng nhanh trên toàn thế giới.”
Nói tóm lại, dầu mỏ tham gia vào mọi ngành công nghiệp, mọi nơi. Nó có ảnh hưởng to lớn đến đời sống chúng ta hàng ngày.
Tương lai thiếu dầu mỏ?
Điều gì sẽ xảy nếu trái đất không còn dầu mỏ? Điều gì sẽ xảy ra nếu huyết mạch của cuộc sống văn minh hiện đại này ngừng chảy? Câu trả lời là nền kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ nhanh chóng. Cuộc sống mà nhân loại từng biết đến sẽ đi đến hồi kết. Tất cả các vật dụng hàng ngày được làm từ dầu mỏ sẽ không được sản xuất nữa. Việc vận chuyển và sản xuất hàng hóa cũng sẽ bị dừng lại. Hàng triệu người sẽ bị mất việc làm. Xu thế phát triển của nhiều ngành khác cũng sẽ đóng băng. Ngành sản xuất thực phẩm cũng sẽ bị đình trệ. Hàng triệu người có nguy cơ chết đói.
Nhưng trước khi nguồn dầu lửa thế giới bị cạn kiệt trong vòng hơn 40 năm tới, nhân loại cần đặc biệt chú ý đến hậu quả của việc này. Khi mà nhu cầu về dầu mỏ vượt quá nguồn cung thì giá của các sản phẩm phụ thuộc vào dầu mỏ như lương thực sẽ tăng giá chưa từng có. Điều này cũng sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho nền kinh tế toàn cầu và những người dân có mức thu nhập trung bình. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng nếu con người không chuyển hướng khỏi việc xây dựng một xã hội dựa trên dầu mỏ thì nền kinh tế của chúng ta sẽ sụp đổ. Nhiều nhà khoa học cho rằng điều này có thể sẽ xảy ra chỉ trong bốn năm tới, một số người khác cho rằng có thể nhiều thập kỷ nữa thì điều này mới xảy ra. Song chẳng ai chắc chắn điều gì sẽ xảy ra cả.
Tuy nhiên, dù thế nào thì mọi người cũng đều nhất trí cho rằng điều này sẽ xảy ra trong một ngày nào đó. Dầu lửa là một loại nhiên liệu có hạn và không thể tái tạo. Từ khi con người bắt đầu khai thác dầu mỏ, thì nguồn cung đã giảm dần, tỷ lệ sụt giảm nguồn dầu mỏ đang ngày càng tăng lên mỗi năm. Phải mất hàng triệu năm dầu mỏ mới có thể được tạo ra nhưng con người chỉ mất chưa đầy 200 năm để tiêu thụ hết nguồn cung dầu mỏ có trên trái đất.
Hiện nay, con người đang nỗ lực tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế dầu mỏ. Trong số này có thể kể đến nguồn nhiên liệu sinh học được sản xuất từ ngô, đậu nành… Nguồn nhiên liệu này cũng được dùng để vận hành máy móc và sản xuất nhựa plastic. Hỗn hợp nhiên liệu sinh học và xăng đã được dùng trong nhiều loại ôtô. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều cảnh báo rằng nguồn nhiên liệu sinh học sẽ không thể tồn tại vĩnh viễn và nó không phải là một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu. Nguyên nhân chính là sản xuất nhiên liệu sinh học đòi hỏi rất nhiều đất đai. Nếu như nhiên liệu sinh học trở thành nguồn nhiên liệu mới thì các quốc gia trên thế giới sẽ phải đối mặt với hai sự lựa chọn: một là trồng cây để lấy lương thực, hai là trồng cây để sản xuất nhiên liệu. Bởi vì diện tích đất trồng trọt trên trái đất là có hạn và không đủ để con người thỏa mãn cả hai nhu cầu trên.
Tất cả các nguồn nhiên liệu thay thế cho cuộc khủng hoảng dầu mỏ vẫn đang được cân nhắc. Các loại pin bằng khí hydro có thể cung cấp nguồn nhiên liệu sạch và có thể tái tạo, song công nghệ tạo ra nó lại rất đắt đỏ và còn một số điểm bất cập. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió sạch và rẻ nhưng lại không đủ để có thể đáp ứng nhu cầu của con người như dầu mỏ. Năng lượng hạt nhân thì sạch và tiện dụng nhưng nhiều lò phản ứng hạt nhân hiện đang được sử dụng trên toàn thế giới có thể gây ra thảm họa hạt nhân. Nguy hiểm hơn, nó có thể là phương tiện tiếp tay cho bọn khủng bố.
Mặc dù các nguồn năng lượng này đều có thể giúp con người thoát khỏi việc phụ thuộc vào dầu mỏ nhưng hầu hết mọi người đều nhất trí rằng chẳng có nguồn năng lượng nào hoàn toàn có thể thay thế được nó. Với chi phí thấp và thuận tiện, chỉ một cốc đầy xăng đã có thể giúp một chiếc ôtô trị giá hàng chục nghìn bảng chạy trên đường. Liệu các nguồn nhiên liệu khác có thể làm được như vậy?
Thời kỳ của dầu lửa giá rẻ sẽ đến lúc chấm dứt. Một ngày nào đó con người sẽ không còn được sử dụng một nguồn nhiên liệu giá rẻ và nhiều tiện dụng như vậy nữa. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu con người có rút tay ra khỏi quả dừa đúng lúc không? Nếu xét theo những nghiên cứu lịch sử thì câu trả lời của con người là “không”.