ThienNhien.Net – Mới đây, tại Hội nghị phổ biến triển khai Luật Công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức, ngày 14/05, cho biết, Luật Công nghệ cao sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009. Tới dự và phát biểu tại Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ/ngành, các sở KH&CN, các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp. Hội nghị được truyền hình trực tiếp, kết nối các đầu cầu ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ và Tp. Vinh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, cho tới nay về cơ bản chúng ta đã xây dựng được hệ thống luật pháp cho các hoạt động KH&CN tương đối đầy đủ. Đặc biệt, trong những năm qua, Bộ KH&CN đã đẩy nhanh tiến trình xây dựng các văn bản pháp quy chuyên ngành cơ bản như Luật Sở hữu Trí tuệ; Luật Chuyển giao Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009); Luật Công nghệ cao; và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đây là những cơ sở rất quan trọng, tạo hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN. Thứ trưởng Lê Đình Tiến khẳng định, Luật Công nghệ cao ra đời có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH, KH&CN, đặc biệt là trong giai đoạn CNH-HĐH đất nước. Nó sẽ thúc đẩy quá trình tiếp thu, làm chủ công nghệ, tạo công nghệ thay thế công nghệ nhập khẩu, ứng dụng rộng rãi công nghệ vào phát triển kinh tế, đáp ứng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Luật Công nghệ cao đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2008 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009. Luật có 6 chương, 35 điều, gồm các quy định cụ thể về việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế, kỹ thuật; chính sách phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao…
Luật Công nghệ cao được xây dựng theo tinh thần quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản: Kịp thời thể chế hoá, các chủ chương, chính sách của Đảng, nhằm tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh , vững chắc và thông thoáng cho các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động công nghệ cao thông qua khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động công nghệ cao; Nhà nước xác định rõ hướng ưu tiên, trọng điểm ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, đồng thời dành kinh phí, cơ chế, chính sách đặc biệt cho công nghệ cao; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao…
Ý thức được vai trò của KH&CN, Đảng và Nhà nước ta đã và đang dành sự quan tâm ngày càng nhiều hơn cho phát triển KH&CN, đặc biệt chú trọng việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hoá trên thực tế đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước. Ngoài ra nhiều đề tài, dự án ứng dụng công nghệ cao cũng được triển khai ở cấp Bộ, ngành, địa phương và cấp cơ sở.