ThienNhien.Net – Hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp chưa có chủ thực sự, nhiều vụ lấn chiếm, tranh chấp đất rừng xảy ra, giá trị sản xuất lâm nghiệp còn thấp là những hạn chế trong lĩnh vực phát triển lâm nghiệp thời gian qua. Khai thác hiệu quả tiềm năng đất lâm nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhân dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Bắc Giang có diện tích đất lâm nghiệp lớn lại phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi thấp dưới 500m, chất đất tương đối tốt nên thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp. Những năm qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tạo điều kiện cho việc bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất lâm nghiệp.
Phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng rừng theo các chương trình, dự án được triển khai rộng khắp làm cho độ che phủ của rừng tăng nhanh. Vai trò của kinh tế lâm nghiệp ngày càng được khẳng định, nhất là sau khi các công ty lâm nghiệp (lâm trường trước đây) ứng dụng thành công tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng (chuyển từ trồng rừng bằng hạt sang trồng cây nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô, giâm hom).
Với ưu điểm nổi trội là chu kỳ khai thác ngắn, sản lượng gỗ lớn và “đầu ra” sản phẩm rộng mở, không chỉ các tổ chức mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn cũng tích cực trồng rừng kinh tế trên đất lâm nghiệp được giao. Nhờ đó, hàng năm, tỉnh Bắc Giang trồng mới 4-5 nghìn ha rừng tập trung, nâng tổng diện tích rừng trên địa bàn đến nay lên hơn 156 nghìn ha. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng những năm gần đây đạt hơn 100 nghìn m3/năm, tăng hơn 2 lần so với trước năm 2000…
Diện tích rừng trồng, sản lượng gỗ khai thác hằng năm tăng đáng kể nhưng theo đánh giá của ngành chức năng kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng. Nguồn thu nhập từ rừng của người dân còn thấp, phần lớn các hộ dân làm nghề rừng còn nghèo do thiếu đất hoặc chưa được giao đất, giao rừng ổn định để sản xuất. Nguyên nhân là do công tác quản lý đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập.
Theo tổng hợp, toàn tỉnh hiện còn hơn 30 nghìn ha đất lâm nghiệp UBND xã đang quản lý. Diện tích trên chưa được giao tới hộ dân hoặc tổ chức nào nên hiệu quả sử dụng thấp. Đáng lo ngại là tình trạng lấn chiếm đất trái phép xảy ra. Năm qua, người dân ở một số địa phương đã lấn chiếm trái phép hàng trăm ha đất lâm nghiệp. Nhiều công ty lâm nghiệp được giao diện tích đất rừng lớn vượt khả năng nên công tác quản lý, sử dụng còn chưa hiệu quả. Thực tế cho thấy có đơn vị sản xuất kinh doanh trên đất lâm nghiệp được tỉnh giao dưới hình thức giao khoán lại cho các hộ dân trong khu vực.
Một nguyên nhân khác là diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt của tỉnh Bắc Giang lớn (đã quy hoạch thành rừng sản xuất) nhưng phần lớn lại chưa được cải tạo, đầu tư trồng rừng mới nên hiệu quả kinh tế thấp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp chưa cao còn do suất đầu tư trồng rừng thấp. Yêu cầu đối với trồng rừng thâm canh suất đầu tư phải đạt hơn 20 triệu đồng/ha nhưng các công ty lâm nghiệp mới có đủ khả năng đầu tư bằng một nửa. Các hộ dân trồng rừng chủ yếu tranh thủ vốn hỗ trợ của Nhà nước, ít bỏ tiền đầu tư mua phân bón nên rừng trồng sinh trưởng và phát triển chậm. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chậm cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất lâm nghiệp của các thành phần kinh tế. Bởi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ khó tiếp cận được với vốn tín dụng hoặc không yên tâm đầu tư trên diện tích đất được giao. Hiện nay, mới có trên 50% diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho tổ chức và cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khắc phục những hạn chế trên, UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành chức năng triển khai đề án giao đất, giao rừng giai đoạn 2009-2013. Theo đó, tới năm 2010 cơ bản hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng trên thực địa gắn với giao đất cho thuê đất lâm nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất do UBND xã đang quản lý và một phần đất rừng của các công ty lâm nghiệp (khoảng 6 nghìn ha) sau khi tiến hành rà soát, thu hồi. Năm 2013 sẽ hoàn thiện toàn bộ hồ sơ giao và cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2009-2020 cũng đang được tỉnh xây dựng với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân 10%/năm, tạo việc làm cho khoảng 2,5 vạn lao động, giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 đạt 460 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với hiện nay…
Tuy nhiên từ thực tế hiện nay cho thấy để khai thác tiềm năng đất lâm nghiệp, đi đôi với các biện pháp trên, các tổ chức, cá nhân được giao đất giao rừng cần chú trọng việc lựa chọn cây giống tốt trong trồng rừng qua khảo nghiệm, nhập những giống chất lượng.
Những năm gần đây, nhiều đơn vị như Công ty Lâm nghiệp Lục Nam, Công ty Lâm nghiệp Lục Ngạn… tiến hành trồng thí điểm giống keo nhập khẩu từ Úc với nhiều ưu điểm như sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ cao mở ra triển vọng mới trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp.
Vấn đề khác cần quan tâm là tăng cường đầu tư vốn thâm canh rừng, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp bằng việc trồng cây lâm nghiệp ngoài gỗ… trên diện tích rừng trồng những năm đầu để “lấy ngắn nuôi dài”, nâng cao giá trị thu về trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, chính quyền, ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo tình hình thị trường sản phẩm, có khuyến cáo người dân kịp thời và từng bước đưa loài cây gỗ lớn vào trồng rừng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên đất lâm nghiệp.