ThienNhien.Net – Vắt là sinh vật lưỡng tính có tên khoa học là <i>Heamadipsa</i>, cùng họ với loài đỉa song chúng sống trên cạn và thường có mặt ở nơi đất ẩm thấp, nhiều lá rụng như các lối dẫn trong các khu rừng. Vắt là con vật nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng hơn 100mg, dài cỡ 3-5cm, có 33 đốt sống. Chúng chịu lạnh kém và rất “háu ăn”. Mỗi lần hút máu, chúng có thể hút một lượng máu lớn gấp 8- 10 lần trọng lượng cơ thể. Một con vắt có trọng lượng khoảng 100mg có thể hút tới 1000mg máu. Sau khi hút máu, vắt có thể giữ lại lượng máu đó để “tiêu thụ” dần, điều này xảy ra do máu không bị đông trong dạ dày của vắt nhờ chất chống đông Hirudin. Cơ thể vắt cũng giống đỉa có chứa nhiều chất quý giá có thể dùng làm thuốc, điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh nhiễm trùng như uốn ván, viêm màng não, các chứng bệnh nghẽn mạch máu, ngăn chặn sự hình thành di căn của các khối u trong các chứng bệnh ung thư. Kinh nghiệm dân gian cho hay, khi vào rừng hay lội suối để an toàn thì chúng ta nên mang theo một ít muối túm trong bọc vải chấm vào vết vắt cắn nhằm cầm máu và đuổi vắt, bên cạnh đó có thể dùng thuốc lào sát vào chân/giầy (không cần đeo tất).