ThienNhien.Net – Trường Sa hôm nay không chỉ có cát trắng, san hô, đá và vị mặn mòi của biển mà đong đầy màu xanh của cây. Ngoài những luống rau xanh để cải thiện đời sống cho lính đảo, cây bàng vuông sản vật hiếm có, ở Trường Sa cũng có nhiều loài cây đặc trưng che chắn, bảo vệ sóng gió biển khơi như cây phong ba, cây bão táp, … Rất nhiều người nhầm bão táp và phong ba là tên của cùng một loài cây. Thực ra, đó lại là 2 loài cây khác nhau có sức sống dẻo dai và bền bỉ. Người ta thường biết đến cây phong ba nhiều hơn loài cây bão táp, song cả hai đều biểu tượng cho sự kiên cường của người lính biển trước muôn vàn khắc nghiệt giữa trời nước mênh mông.
Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm nằm rải rác trên một diện tích hơn 400.000 km² ở giữa biển Đông, được bao quanh bởi những ngư trường trù phú và có tiềm năng về tài nguyên dầu mỏ cũng như khí đốt.
Quần đảo Trường Sa không chỉ khắc nghiệt về thời tiết mà cấu tạo địa hình cũng gây nhiều bất lợi cho trồng trọt. Các đảo được hình thành trên trầm tích san hô và bao bọc xung quanh cũng là một vành đai san hô cách đất liền khoảng 300 hải lý với đất đai và các điều kiện sinh thái khác biệt. Đất trồng cây và các giống cây (kể cả cây bóng mát, che chắn bảo vệ, và rau xanh) từ đất liền được mang ra nhiều đảo. Hiện nay, cùng với việc tìm ra biện pháp tốt nhất để trồng rau xanh ở quần đảo Trường Sa, việc xanh hoá các đảo nổi bằng cây thân gỗ sẽ tạo sự ngọt hoá nguồn nước tại các đảo này. Nhiều đảo hiện có tỷ lệ che phủ bình quân khá cao, đạt 50 – 60%.
Nếu đảo Song Tử Tây rợp bóng phong ba thì xã đảo Sinh Tồn lại được bao phủ bởi màu xanh của rau muống biển, phi lao và cây bão táp. Còn ở đảo Trường Sa Lớn là những cây tra cổ thụ, đặc biệt là những cây bàng vuông. Sau phong ba, bão táp, bàng, thì dừa là cây được trồng nhiều ở đảo Nam Yết.
Đảo Sinh Tồn nhìn từ trên cao. Ảnh: Google Earth.
Theo PGS.TS Vũ Xuân Phương (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), từ năm 1993 -1997, ông và người đồng nghiệp là PGS.TS Nguyễn Khắc Khôi cùng một số cộng sự khác đã 7 lần ra Trường Sa để điều tra khu hệ thực vật ở đây. Vào thời điểm đấy, Trường Sa khô cằn thiếu bóng cây xanh, rau xanh. Sau những chuyến đi nghiên cứu thực địa ấy, các nhà khoa học đã ươm giống và gieo trồng thành công một số giống cây nhằm phủ xanh Trường Sa và các ông là những người tiên phong cho công trình ấy.
Năm 2005, PGS.TS Vũ Xuân Phương và PGS.TS Nguyễn Khắc Khôi cùng các cộng sự đã vinh dự đoạt giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cho “Công trình trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa”.
Cũng theo PGS.TS Vũ Xuân Phương, những ngày ra đảo ấy, có khoảng 10 nhóm cây bụi mỏng rải rác ở Trường Sa Lớn. Ông và đồng nghiệp bất ngờ vì phi lao thì cứ chết dần còn loài cây đó mọc rất kiên cường (ngoài đảo, bề mặt là lớp đá san hô, phải khoan xuống sâu thì rễ cây mới giữ và phát triển được). Chính điều đó đã khiến ông và PGS.TS Nguyễn Khắc Khôi quyết định nhân giống loài cây này ngày trên đảo chứ không phải nhân giống từ đất liền đem ra.
Đó chính là loài cây Hếp (Scaevola taccada) hay còn được gọi là cây Sơn Dương. Đây là loài cây bụi nhỏ, cao khoảng 2 – 4m, mọc thành đám ở các vùng cát dựa biển. Tại Việt Nam, loài cây này mọc nhiều ở các đảo Ba Mùn, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Thổ Chu… Trên thế giới, Hếp còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái lan, Xri Lanka.
Hoa bão táp. Ảnh: Forest & Kim Starr.
Loài cây này có tác dụng chắn gió, cát, chịu mặn và giữ đất, làm bóng mát, che chở cho những loài cây khác. Loài này rất dễ trồng, chỉ cần cắm cành là sống. Chúng đan xen “dìu dặt” những hàng dài ven biển. Lá cây giống như lá cây hoa sứ, nhưng mỏng hơn và to gấp nhiều lần. Chúng ra hoa quả gần như quanh năm. Không những có tác dụng về sinh thái, dịch quả Hếp còn được dùng chữa bệnh mờ mắt, còn rễ và lá sắc uống chữa phù thũng, lá ăn cầm tiêu chảy.
Do cây chịu được gió mặn và sóng to nên lính đảo đã đặt cho Hếp một cái tên rất kiên cường: “bão táp”. Hếp có thể đã bị người đời “lãng quên” tên thật, nhưng bão táp đã in đậm dấu nơi Trường Sa.
Đã từ lâu nay, từ lúc nào thì không ai hay và biết, loài cây bão táp đó ngày một hiên ngang và tốt tươi bên bờ biển. Lớp lớp các thế hệ ra đảo thì phong ba và bão táp đã đứng vững nơi đầu sóng, ngọn gió.