ThienNhien.Net – Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra tại hội thảo “Chiến lược và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển nông thôn tổng hợp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long“, cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là vùng có lợi thế để phát triển về nông nghiệp tốt nhất Việt Nam. Hội thảo được diễn ra ngày 13/05, tại thành phố Cần Thơ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.
Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chỉ chiếm dưới 30% của cả nước nhưng chiếm tới trên 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước.
Trong tương lai để phát triển nông nghiệp nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải tính đến sự phối hợp hài hòa với phát triển công nghiệp và đô thị.
Việc lựa chọn ngành hàng mũi nhọn tính đến cả các mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường để tập trung xây dựng những ngành hàng có lợi thế so sánh và vị thế quan trọng trên thị trường quốc tế. Cơ cấu nông nghiệp phải phát huy lợi thế so sánh của vùng châu thổ và phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo ông Kodderitzsch, đại diện WB, để phát triển vững mạnh vùng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phải có những kế hoạch phát triển tổng hợp bao gồm các vấn đề như hiện đại hóa nông nghiệp; quản lý nguồn nước; việc làm ngoài nông nghiệp và sự phát triển công nghiệp.
Ngoài ra còn có mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ và đường hàng không; mở rộng đô thị; phát triển nguồn nhân lực; cải thiện giáo dục và y tế; quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường. Ngân hàng thế giới cũng khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, ông Kodderitzsch cho biết.
Để ngành nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển và hiện đại hóa, Bộ kiến nghị các địa phương làm tốt công tác qui hoạch sử dụng đất, bình ổn giá cả nông sản, phát huy vai trò của các Hiệp hội trong liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, y tế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, môi trường và các địa phương trong việc xây dựng, giám sát thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường nông thôn./.