ThienNhien.Net – <i>Báo cáo REDD và nỗ lực hạn chế tốc độ nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C </i> của Greenpeace mới đây đã kết luận rằng việc đưa các giải pháp bảo vệ rừng vào thị trường cacbon thế giới có thể khiến giá cacbon giảm tới 75%, làm trung hòa các nỗ lực giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu.
REDD – Mới và hứa hẹn nhiều tiềm năng
Nếu muốn tránh được những hậu quả tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu, chúng ta buộc phải giới hạn mức tăng nhiệt độ ở dưới 2oC. Mục tiêu này phụ thuộc vào việc thiết lập một mức giá cacbon ổn định mà nhờ đó có thể phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Theo báo cáo, việc tín dụng cacbon mất giá có thể là kết quả của việc gộp tín dụng rừng vào thị trường, gây suy giảm các khoản đầu tư.
Sáng kiến Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển (REDD) là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự cho Hiệp định Khung về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (UNFCCC) sẽ diễn ra tại Copenhagen vào tháng 12 tới. REDD thu hút nhiều quan tâm bởi nó là một giải pháp giảm khí nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao mà vẫn bảo tồn được sự đa dạng sinh học và quyền lợi của người dân bản địa vốn sống dựa vào rừng.
Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cho rằng các nước phát triển nên tăng cường các cam kết bảo vệ rừng nhiệt đới bằng việc tài trợ cho công tác bảo vệ rừng. Theo bản báo cáo được đệ trình tại cuộc họp bàn về khí hậu của Mỹ tổ chức tại Bonn, Đức vào ngày 30/3 vừa qua, phá rừng là tác nhân gây ra gần 1/5 tổng lượng khí thải nhà kính. Bản báo cáo cũng cảnh báo rằng việc đưa tín dụng rừng vào thị trường cacbon thế giới có thể khiến các quốc gia đang phát triển như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ mỗi năm mất hàng tỷ USD đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Những nhận xét quan trọng trong báo cáo của Tổ chức Hòa Bình Xanh
– Việc đưa các tín dụng rừng vào thị trường cacbon có thể làm giảm giá chứng chỉ cacbon xuống tới 75% theo mục tiêu giảm nhiệt độ nóng lên của trái đất hiện nay và giảm xuống tới 70% theo mục tiêu kìm hãm tăng nhiệt độ ở mức 2oC (tới năm 2020 cắt giảm 40% khí thải so với mức phát thải năm 1990).
– Dù với kịch bản biến đổi khí hậu nào, các chứng chỉ REDD cũng làm giảm mạnh đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng sạch ở cả quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển. Đình lại các khoản đầu tư đó, chứng chỉ REDD có thể gây ra hiệu ứng phụ khiến các công nghệ và cơ sở hạ tầng phát thải carbon cao dẫm chân tại chỗ trong nhiều năm. Các chi phí chìm liên quan tới nền kinh tế phát thải carbon cao có thể làm tăng tổng chi phí giảm thiểu.
– Việc đưa chứng chỉ tín dụng REDD vào thị trường cacbon có thể làm giảm đầu tư vào công nghệ sạch tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil vì khi đó nhu cầu đối với các khoản tín dụng do các chính sách giảm khí thải trong ngành năng lượng và công nghiệp tạo ra sẽ ít đi trông thấy. Đơn cử, riêng Trung Quốc mỗi năm có thể mất một khoản ước tính từ 10 -100 tỷ USD đầu tư vào công nghệ và năng lượng sạch.
– Đưa thẻ tín dụng rừng vào thị trường cacbon, các nước phát triển có thể phải trả giá cao cho việc giảm khí thải do phá rừng bởi sự chênh lệch giữa chi phí của REDD đối với các nước đang phát triển và giá cacbon quốc tế. Điều này có thể dẫn tới việc bỏ lỡ các cơ hội giảm lượng khí thải nhiều hơn tại các quốc gia đang phát triển.
Cần một cơ chế tách bạch
Các nhà lãnh đạo thế giới phải tìm ra cách để hỗ trợ các khoản tài chính lớn và ổn định cho REDD nhằm giảm hơn nữa lượng khí thải tại các nước công nghiệp và tạo ra các khoản đầu tư hiệu quả cho năng lượng hiệu suất cao và năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang phát triển.
Giữa các lựa chọn tài chính, việc gộp trực tiếp chứng chỉ rừng vào thị truờng cacbon tạo ra nhiều rủi ro cho cả khí hậu và rừng. Tín dụng REDD có thể làm giá cacbon sụt giảm và dao động mạnh dẫn đến giảm đầu tư vào công nghệ tái tạo và công nghệ sạch vốn rất cần thiết để giới hạn mức tăng nhiệt độ không quá 2oC.
Vì vậy, thị trường cacbon phải đưa ra một mức giá ổn định để tạo cơ hội phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, theo đó nên tiếp tục chú ý nhiều tới việc giảm phát thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một cơ chế tách bạch giữa tín dụng rừng và tín dụng cacbon là cần thiết để giải quyết các khó khăn và nguy cơ liên quan tới REDD.
Một cơ chế REDD thành công không thể dựa vào việc đưa thẻ tín dụng REDD vào thị trường cacbon mà phải:
- Đưa vào mục tiêu chặn đứng nạn phá rừng và giảm phát thải khí nhà kính do phá rừng tại tất cả các quốc gia tới năm 2020, đặt mục tiêu dập tắt hoàn toàn hiện tượng tàn phá rừng tại một số khu vực ưu tiên như Amazon, bồn địa Congo, quần đảo Indonesia đến năm 2015.
- Đặt ra các mục tiêu quốc gia về giảm khí thải dựa vào rừng nhằm tránh hiện tượng chuyển phá rừng từ nơi này sang nơi khác.
- Cho phép sự tham gia rộng rãi của các quốc gia có rừng nhiệt đới.
- Công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học phải phù hợp với các công ước và mục tiêu quốc tế nhằm tránh các động cơ và hậu quả sai lầm.
- Tuyệt đối tôn trọng quyền của người dân bản xứ và cộng đồng địa phương, tạo ra diễn đàn để mọi người có thể cùng đưa ra và thảo luận các vấn đề.
- Đảm bảo lợi nhuận phải được chia đều giữa các quốc gia.
- Tạo ra các cơ chế độc lập trong kiểm tra và thẩm định các hoạt động và kết quả.
Trong báo cáo, Tổ chức Hòa Bình Xanh cũng đưa ra các đề xuất về cơ chế tài chính – thị trường có thể đáp ứng những yêu cầu trên, tránh những vấn đề phát sinh có liên quan trong quá trình thực thi, đưa REDD trở thành một phần trong giai đoạn tiếp theo của Nghị định thư Kyoto.