ThienNhien.Net – Đây là cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm mà Chương trình Hợp tác Việt Nam – Thụy Điển về tăng cường năng lực quản lý đất đai và môi trường (Chương trình SEMLA) hỗ trợ.
Trong thời gian qua, Chương trình SEMLA đã thực hiện mô hình lồng ghép quy hoạch sử dụng đất với bảo vệ môi trường tại 6 tỉnh gồm Hà Giang, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại các địa phương trên, SEMLA đã tiến hành các bước:
Trước tiên, xác định các vấn đề chính về kinh tế, xã hội, đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu của địa phương. Thu thập thông tin, dữ liệu, số liệu, bản đồ. Trên cơ sở đó tiến hành phân tích các xu hướng đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu; đánh giá tác động của việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất trước đây lên các xu hướng này tại các địa phương. Đồng thời đánh giá tiềm năng đất đai, tiềm năng cải thiện môi trường, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua những thay đổi về sử dụng đất của địa phương và đề xuất các hướng sử dụng đất phù hợp với các mục tiêu phát triển.
Tiếp theo, SEMAL phân tích, so sánh tác động và đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các phương án. Mô tả chi tiết các tác động môi trường, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất các biện pháp giảm thiểu các tác động môi trường, biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của phương án được lựa chọn.
Lập kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011-2015; kế hoạch bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; lập giải pháp tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó các kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế xã hội được xây dựng quy hoạch và thực hiện một cách khoa học hài hòa với thiên nhiên trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất nước nhưng vẫn bảo vệ được môi trường và có giải pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bước cuối cùng, SEMLA tiến hành lấy ý kiến đóng góp của người dân và lãnh đạo địa phương về các kế hoạch để người dân nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và có cơ hội đóng góp ý kiến về quy hoạch sử dụng mảnh đất của chính bản thân mình trong bản đồ quy hoạch chung.
Dự án SEMLA do Thụy Điển tài trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD được thực hiện từ năm 2005 – 2009, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2005-2007 tiến hành quy hoạch sử dụng đất ở một số tỉnh như Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu. Giai đoạn 2 từ 2008 đến tháng 6/2009 tiến hành quy hoạch sử dụng đất lồng ghép với bảo vệ môi trường, bao gồm 5 dự án tiến hành ở các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Trước đây, sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện xây dựng quy hoạch sử dụng đất vẫn bị coi nhẹ. Đây thực sự là thách thức lớn nhất để cải thiện quá trình quy hoạch sử dụng đất.
Trưởng nhóm Chuyên đề quản lý đất đai của Chương trình SEMLA, ông Đỗ Đức Đôi cho rằng “Điều quan trọng là các tài liệu, bản đồ về quy hoạch sử dụng đất cần được thiết kế và xây dựng sao cho dễ đọc và dễ hiểu cho mọi người dân. Bộ cũng đã đưa nội dung này thành yêu cầu bắt buộc lấy ý kiến nhân dân ở tất cả các cấp quy hoạch trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tới đây”. Bộ TN&MT cần tiếp tục hoàn thiện, chi tiết hóa các phương pháp khác nhau để lấy ý kiến nhân dân tùy theo từng cấp quy hoạch
Cố vấn trưởng Chương trình SEMLA, ông Per Bertilsson cho biết, mục tiêu mà Chương trình SEMLA hỗ trợ cơ bản đã đạt được. Đó là tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, có sự tham gia của cộng đồng trong lồng ghép quy hoạch sử dụng đất. “SEMLA đã đóng góp cho 14 trong 19 mục tiêu của kế hoạch 5 năm ngành TN&MT. Đóng góp trong quản lý tổng hợp về TN&MT, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp về TN&MT…”, ông Per Bertilsson nhấn mạnh.