Tái chế và cuộc khủng hoảng lòng tin ở Anh

ThienNhien.Net – Câu chuyện về những chiếc tivi cũ nằm rải rác ở các bãi rác của Nigeria, sự sụt giảm trong nhu cầu vật liệu tái chế và các tuyên bố rằng thiêu hủy rác là cách loại bỏ rác thải tốt hơn cùng các quan điểm hoài nghi đang là những nhân tố chống lại hoạt động tái chế rác thải ở Anh. Câu hỏi mà họ đang phải đối mặt là: Liệu có nên tiếp tục mở rộng hoạt động này hay không?

Ngành tái chế mất lòng tin

Hiện nay, tái chế đang thực sự trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin ở Anh. Những chiếc tivi cũ thay vì được mang đi tái chế lại được mang tới bãi đổ rác ở Nigeria. “Thuế rác” và việc gom rác thải hai tuần một lần không nhận được sự đồng tình của đại đa số người dân. Trước tình hình đó, nhiều hộ gia đình cho hay họ đang bắt đầu mất lòng tin vào một hệ thống vừa chỉ mới hình thành trong thập kỷ qua. Thông tin rằng nhu cầu thế giới về các mặt hàng tái chế đang lắng xuống cùng với sự suy thoái của kinh tế toàn cầu chính là giọt nước làm tràn ly, dấy lên mối quan ngại về hàng đống nguyên liệu tái chế chưa được tiêu thụ.

Bên cạnh đó, phương hướng lâu dài về chiến lược quản lý chất thải vẫn chưa được xác định. Trước tình hình các loại thuế, luật lệ và quy định về môi trường đang ngày càng được siết chặt hơn bao giờ hết, xu hướng ủng hộ giải pháp đốt rác thải ngày càng mạnh hơn. Liệu giải pháp đốt rác thải để tạo ra cả điện năng và nhiệt năng, thay vì xuất khẩu rác thải, có mang nhiều ý nghĩa hơn về mặt môi trường và kinh tế, theo như một cố vấn về vấn đề rác thải của chính phủ Anh gần đây đề xuất, hay không?

Ian Wakelin, giám đốc điều hành Greenstar, một công ty thu gom và tái chế rác thải của Anh, biện hộ cho hoạt động tái chế: “Đúng là hiện nay có quan điểm chống lại hoạt động tái chế, nhưng cuộc tranh luận này thực sự thiếu công bằng. Liệu tái chế có phải chỉ là chôn rác thải, như một số người lầm tưởng hay không? Ngoài chất bẩn mà chúng tôi phải loại bỏ khỏi vật dụng tái chế (khoảng 5 – 10% tổng khối lượng), tôi nghĩ rằng lập luận này hoàn toàn phiến diện. Tôi chưa từng biết ai trong ngành tái chế lại đi chôn những thứ có thể tái chế được. Tại sao họ phải làm thế trong khi phí đổ rác thải vào bãi hiện nay quá cao (ở Anh là từ 50 đến 60 bảng/tấn)? Họ chỉ việc giao rác thải cho những công ty rác thải như chúng tôi và chúng tôi sẽ sẵn sàng xử lý.”

Wakelin cho rằng cái khó là ở chỗ thay đổi nhận thức của cộng đồng và theo ông sẽ là trái đạo đức nếu không chuyển vật liệu tái chế trở lại Ấn Độ hay Trung Quốc nếu như việc đó giúp các nước này tăng trưởng kinh tế và phát triển.

Giải pháp nào cho ngành tái chế

 
Wakelin tin rằng một trong những giải pháp có thể làm yên lòng cộng đồng đang có chiều hướng đa nghi là sắp xếp lại hệ thống để làm cho việc thu gom rác tái chế trở nên dễ dàng hơn đối với một hộ gia đình có mức sống trung bình. Giải pháp đó là “hãy để cho máy thực hiện”, chứ không phải là “ông hay bà hãy tự phân loại lấy tất cả rác thải tại nhà”.

Cách thu gom rác thải mà công ty ông áp dụng là thu gom “lẫn lộn” (hộ gia đình gom tất cả rác thải khô có thể tái chế vào một túi rác để giao cho công ty tái chế), trái ngược với cách thu gom từng túi riêng lẻ (các hộ gia đình tự phân loại rác ở nhà rồi cho vào từng túi để các nhân viên vệ sinh xếp từng túi vào từng khoang chứa riêng biệt trên xe chở rác) mà Wakelin cho là ít hiệu quả hơn về cả mặt môi trường và kinh tế. Ông cho biết thêm rằng nhờ có công nghệ mới, tỷ lệ tái chế theo cách thu gom “lẫn lộn” đã tăng 20%.

Tom Freyberg, phụ trách Tạp chí Tái chế và Rác thải thế giới, đồng ý rằng có các dấu hiệu cho thấy thị trường này đang phục hồi từ điểm đáy vào tháng 12/2008. Ông cho biết:” Các vấn đề nảy sinh từ tháng 10 khi giá của các nguyên vật liệu như giấy và nhựa giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay giá cả đã tăng trở lại.”

Tuy nhiên đó không chỉ là vấn đề nhu cầu người mua giảm khiến giá giảm. Theo một số người có tiếng trong ngành công nghiệp này, đó còn là vấn đề chất lượng. Chiến dịch ủng hộ hoạt động tái chế đích thực, do một số các nhà tái chế nguyên vật liệu lớn nhất của Anh, cùng với đại diện ngành tái chế và tổ chức Những người bạn Trái đất thực hiện, cho biết chất lượng của các nguyên vật liệu tái chế ở Anh không đạt được tiêu chuẩn mà nó nên và có khả năng đạt tới.

Vào hồi đầu năm nay, nhóm chiến dịch đã gửi một thư ngỏ tới thượng nghị sĩ Jane Kenndy, người chịu trách nhiệm về mảng nông nghiệp và môi trường thuộc Bộ Môi trường, Thực phẩm, Nông nghiệp Anh, qua đó thúc giục chính phủ đảo ngược lại tình thế. Lá thư bày tỏ sự lo ngại trước thực tế rằng hệ thống tái chế ở Anh đang tạo ra “nguyên liệu hỗn hợp thực sự kém chất lượng ” khiến nhiều nhà tái chế phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài một cách không cần thiết.

Đứng ở vị trí trung lập trong cuộc tranh luận này là Chương trình hành động về rác thải và nguồn tài nguyên (Wrap), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập như một phần trong chiến lược rác thải của chính phủ được công bố vào năm 2000. Ông Phillip Ward, với tư cách là người chỉ đạo các dịch vụ công của địa phương, có nhiệm vụ tư vấn cho các chính quyền địa phương loại hình hệ thống thu gom rác thải mà họ nên lựa chọn, cho biết: ”Chúng ta đang trải qua một thời kỳ quá độ lớn. Cho đến gần đây vào năm 2000 chúng ta vẫn còn chủ yếu đổ tất cả phế thải ở bãi rác. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã tái chế được 35% lượng rác thải. Chính quyền các địa phương phải tạo ra một hệ thống mới nhưng không ai biết được cách tốt nhất để tạo ra hệ thống đó. Đó là lý do tại sao chúng ta hiện có một giải pháp thiếu đồng bộ trên khắp cả nước. Đó chưa phải là hệ thống hoàn thiện.”

Ông bày tỏ mong muốn có những nỗ lực hơn nữa để tạo ra vật liệu tái chế sạch hơn, có chất lượng tốt hơn, cũng như cố gắng thu hẹp những sự khác biệt giữa các địa phương. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm rằng cần thiết áp dụng các phương pháp thu gom và phân loại rác thải khác nhau do sự khác biệt giữa vùng nông thôn, ngoại ô và thành thị trên cả nước. Kiểu thu gom “lẫn lộn” phù hợp hơn với những người sống ở trung tâm thành phố nơi nhà cửa san sát, trong khi kiểu thu gom từng túi riêng lẻ phù hợp với các khu vực ngoại ô nơi có đủ không gian để phân loại mọi thứ thành các phần ngăn nắp, sạch sẽ.

Đốt rác tái sinh năng lượng

Dù vậy, có những người tin rằng nhìn chung việc đốt rác thải để tái sinh năng lượng vẫn tốt hơn là tái chế chúng. Chẳng hạn, như Học viện Kĩ thuật Cơ khí (Anh), gần đây đang thúc giục chính phủ đầu tư vào các dự án nhiệt điện và năng lượng với nguồn nguyên liệu là rác thải địa phương, rất giống với các dự án ở các nước như Đức và Úc. Học viện này cho rằng chính phủ nên ngừng tập trung vào hoạt động tái chế vì giải pháp này tương đối khó thực hiện và rõ ràng đang có sự lừa dối người dân về những gì thực sự xảy ra với rác thải của họ. Chỉ nên tái chế các sản phẩm phế thải không thể tiếp tục chuyển đổi thành điện, nhiệt hay nhiên liệu cho giao thông vận tải.

Paul Andrew, giám đốc điều hành công ty Enviropower, cho biết đốt 1,500 tấn rác thải một ngày ở nhiệt độ 600 – 650oC có thể cung cấp 43 MW điện – đủ để cung cấp điện cho cả thị trấn Maidstone.

Nhưng điều mà dân cư xung quanh muốn biết nhất liệu những ống khói của nhà máy kia có gây ô nhiễm môi trường hay không. Khi khu vực này đang trong quá trình xây dựng dự án, thì những người biểu tình địa phương phản đối việc xây dựng nói rằng họ sợ bị tiếp xúc với muội than, kim loại nặng, chất PCBs và chất dioxin gây ung thư. 

Đáp lại những lo ngại này, Paul Andrews cho biết, phải cần tới 25 năm thì nhà máy mới tạo ra lượng ô nhiễm ngang mức mà các phương tiện giao thông trên xa lộ M25 thải ra chỉ trong 3 ngày. Mật độ thải bụi cho phép của nhà máy nhiệt điện là 160 mg/m3, trong khi mật độ bụi tối đa của Enviropower hiện nay chỉ là 10 mg/m3, thua xa lượng dioxin sản sinh từ việc nướng thịt hay đốt pháo hoa.

Andrews cho biết, mục tiêu vẫn là việc tái chế rác thải càng nhiều càng tốt, nhưng dư luận cần chấp nhận rằng một số lượng rác thải sẽ cần được thiêu hủy hoặc được đem chôn.

Bà Liz Parkers, phụ trách về vấn đề rác thải của Cục môi trường Anh cho rằng ngành tái chế cần có thời gian để chuyển đổi, đồng thời cần phải tiếp tục xây dựng lòng tin trong cộng đồng bằng các hoạt động truyền thông.